Đổi mới sáng tạo là chìa khóa thành công để phát triển Đất nước
Chủ đề Đổi mới và Sáng tạo luôn luôn được đặc biệt quan tâm ở nước ta cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Mới đây, giữa tháng 12, tại Techfest 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh “Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới sáng tạo đóng vai trò quyết định phần tái cơ cấu nền kinh tế đất nước”. Thủ tướng cho rằng những khó khăn, thách thức từ thực tế cần giải quyết bằng đổi mới sáng tạo và “Đây cũng là yêu cầu khách quan của phát triển, giai đoạn nào cũng cần sáng tạo để khẳng định và vươn lên”. Cũng trên diễn đàn Techfest 2021 nhiều cán bộ lãnh đạo các bộ ngành đã phát biểu ý kiến đồng tình.
Về việc tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nói rằng doanh nghiệp nhà nước sẵn sàng tham gia làm bệ đỡ, vườn ươm đổi mới sáng tạo và “Đầu tư đổi mới sáng tạo rủi ro cao nên không thể yêu cầu doanh nghiệp phải bảo toàn vốn”.
Theo Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng năm 2021 nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy trước đó. Cao nhất từ trước tới nay, hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo thay đổi cơ chế quản lý tài chính Quỹ phát triển khoa học công nghệ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sử dụng quỹ này để phát triển khoa học công ngh.
Chia sẻ kinh nghiệm của Israel, ông Đại sứ tại Việt Nam cho biết một yếu tố chiến lược của Israel là huy động nguồn vốn nhà nước phục vụ cho hoạt động nghiên cứu phát triển. “Chúng tôi giành tới 4,9% GDP cho nghiên cứu và phát triển và có cơ quan ngang Bộ chuyên trách về đổi mới sáng tạo. Cơ quan này cũng đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp.
Như vậy với các chủ trương, chính sách và kinh nghiệm đó đã mở đường cho những bước tiến mới của sự nghiệp Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Vấn đề là cần có những giải pháp sáng tạo để triển khai có hiệu quả.
Đầu tư khoa học là cơ sở cho đổi mới sáng tạo
Muốn triển khai hiệu quả sự nghiệp đổi mới sáng tạo, trước hết phải tổ chức học tập tốt về nội dung và phương pháp đổi mới sáng tạo để vươn lên thành công.
Việc học tập ở các trường là rất cần thiết. Nhưng ở đấy chủ yếu chỉ được cung cấp những kiến thức cơ bản làm cơ sở để tìm tòi các giải pháp đổi mới và sáng tạo. Từ kiến thức cơ bản đến các giải pháp cụ thể còn khoảng trống. Các doanh nghiệp qua những thông tin bổ ích trên mạng có thể học tập làm theo. Nhưng nếu chưa có điều kiện đi sâu vào bản chất sự việc mà chỉ dựa vào các thông tin kinh nghiệm đó cũng khó khăn để có những đề xuất đổi mới sáng tạo. Đó cũng là một khoảng trống. Bù đắp vào các khoảng trống ấy phải tổ chức các khóa tập huấn với các chuyên đề cụ thể. Điều đó sẽ rút ngắn con đường đổi mới sáng tạo và tăng cường hiệu quả đổi mới sáng tạo.
Cần chọn lựa áp dụng phương pháp học tập hiệu quả nhất. Theo kinh nghiệm ở nhiều nước, họ thường tổ chức các Trung tâm đào tạo liên tục để cập nhật các công nghệ mới cho các cán bộ kỹ thuật ở các cơ sở sản xuất trong vùng. Kết quả những khóa tập huấn ấy tạo nên những dấu mốc trưởng thành của họ và của cả doanh nghiệp. Các khóa tập huấn đó như những bậc thang tăng lương, lên chức cho người lao động.
Ở những trung tâm này họ thường chọn phương pháp học tập “case study”, tức là phương pháp học tập “phân tích tình huống”. Cụ thể là các giảng viên, những người am hiểu sâu sắc bản chất của chủ đề, có tích lũy nhiều kinh nghiệm và biết cách khai thác sưu tầm trong thực tế và trên mạng để chọn ra các đối tượng với các tình huống tiêu biểu mà phân tích. giảng giải, truyền đạt cho học viên, đồng thời ở đấy giáo cụ trực quan thường được dùng nhất là các chương trình mô phỏng hoạt hình 3D.
Tham khảo kinh nghiệm hoạt động các trung tâm đào tạo liên tục ở một số nước, có thể đề xuất tổ chức tại nước ta một hình thức tương tự, gọi tên là Trung tâm Tập huấn chuyên đề Đổi mới sáng tạo, làm cầu nối giữa trường học và doanh nghiệp để khỏa lấp những khoảng trống ngăn cách nói trên. Các trung tâm này sẽ hoạt động không chỉ theo phương thức “cầm tay chỉ việc” mà kết hợp với “phân tích tình huống” theo các chuyên đề cụ thể.
Vifotec và Trung tâm Tập huấn chuyên đề Đổi mới sáng tạo
Bên cạnh các hoạt động chính thường xuyên là tổ chức các Hội thi Khoa học kỹ thuật và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học, Vifotec nên mở rộng phạm vi hoạt động như một Trung tâm Tập huấn chuyên đề Đổi mới sáng tạo, để góp phần đáp ứng yêu cầu cua Đất nước trong sự nghiệp đổi mới sáng tạo. So với các đơn vị khác Vifotec hoàn toàn đủ điều kiện để đảm nhiệm chức trách tổ chức điều hành của Trung tâm này vì những lý do sau:
* Qua các bước trưởng thành trong 30 năm xây dựng và phát triển, Vifotec đã trở thành một tổ chức điều hành trong các hoạt động khoa học với quần chúng trực tiếp lao động ở các cơ sở sản xuất. Vifotec có truyền thống gắn bó với mạng lưới Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật của các tỉnh thành như một hệ thống trên toàn quốc.
* Vifotec thu hút sự tham gia của đông đảo các cán bộ khoa học từ nhiều trường đại học, nhiều viện nghiên cứu và một số cán bộ kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm thực tế. Đó là đội ngũ giảng viên tốt cho Trung tâm Tập huấn chuyên đề Đổi mới sáng tạo.
* Vifotec có quan hệ mật thiết và thường xuyên với các cơ sở đã được nhận các Giải thưởng Sáng tạo khoa học. Các cơ sở này có thể vừa là nguồn giảng viên thực tế vừa là nguồn địa chỉ tham quan tập huấn.
* Vifotec chủ yếu triển khai hoạt động theo 5 hướng khoa học ưu tiên đã được Nhà nước chọn lọc. Các hướng này có tác động tốt đến hầu hết các ngành nghề kinh tế quốc dân. Vì thế đầu tư khoa học cho đổi mới sáng tạo cũng nên chú ý đến các hướng ưu tiên này. Đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng cần có trọng điểm, chứ không chỉ nhằm khích lệ có tính phong trào.
Ví dụ về một chuyên đề tập huấn Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Cơ khí Tự động hóa
Việc xác lập danh mục các chuyên đề tập huấn đổi mới sáng tạo phải là kết quả nghiên cứu phân tích mục tiêu và nhu cầu thực tế của vùng miền, địa phương mình, cũng như khảo sát các điều kiện khả thi. Dưới đây chỉ đưa ra một chuyên đề làm ví dụ minh họa, cũng chỉ về một lĩnh vực, trong số nhiều lĩnh vực mà các địa phương cần đến.
Đó là chuyên đề Dây chuyền tự động chế biến nông sản Việt. Như đã biết, chế biến nông sản là vấn đề rất bức xúc hiện nạy. Nó có thể nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản Việt, thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa kinh tế nông thôn. Song song với việc nghiên cứu công nghệ chế biến các loại nông sản nhiệt đới trong phòng thí nghiệm, việc tạo ra những dây chuyền tự động sẽ rất có ý nghĩa vì nó có thể biến các kết quả nghiên cứu đó trở thành hàng loạt thương phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng cao, phục vụ được thị trường trong nước và cả nước ngoài. Sản phẩm nông sản Việt rất đa dạng, từ dạng bột, dạng hạt, dạng quả đến dạng lỏng,… nhưng các dây chuyền tự động chế biến nông sản Việt vẫn có nhiều mô đun chung hợp thành. Có thể kể đến một số mô đun hợp thành sau:
* Các mô đun cấp liệu và phân loại đầu vào nói chung rất đa dạng vì phải căn cứ vào hình thù, tính chất của các dạng nông sản đầu vào. Đôi khi do nhận biết được một đặc điểm nào đó mà sáng tạo ra một cách thức độc đáo để phân loại và cấp liệu cho dây chuyền rất đơn giản và hiệu quả.
* Các mô đun truyền động băng truyền và cơ cấu chuyển tiếp từ băng truyền này sang băng truyền khác là các mô đun chiếm nhiều không gian nhất trong phân xưởng. Chúng rất cồng kềnh, nặng nề và đắt tiền. Trong các dây chuyền nhập ngoại cho đến nay người ta vẫn dùng phương án truyền thống cổ điển, gồm khung giàn thép inox, phía trên phủ các tấm thép inox mỏng, có thể chuyển động tương đối các tấm với nhau được. Ngày nay có nơi đã sáng tao là hầu hết làm bằng nhựa và có giá đỡ được gắn lên tường. Đồng thời băng truyền không chuyển động bằng xích kim loại mà bằng đây cáp bọc nhựa, nên có thể rút bớt số lượng băng xích tải và giảm thiểu công suất các động cơ để kéo chúng chuyển động.
* Các mô đun chiết chai, đóng nắp lon, bao gói và xếp thùng,… phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và quy cách, mẫu mã sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Một số đơn vị đã có nhiều sáng tạo ra các mô đun loại này kiểu mới, như gắn khung dây chuyền lên tường khi đã thay nhiều bộ phận của dây chuyền bằng nhựa, ghép nối dây chuyền công nghệ chính với các dây chuyền đồng bộ tạo ra trực tiếp các chai nhựa phù hợp hoặc dùng dây chuyền màng co thay thế cách thức đóng thùng cacton,…
* Các mô đun điều khiển được hiện đại hóa nhanh chóng nhờ tác động của các thành tựu mới của công nghệ sensors và các công nghệ của công nghiệp 4.0. Những đơn vị đã nhạy bén áp dụng những công nghệ này đã tạo ra những dây chuyền tương đối thông minh, theo dõi được các diễn biến hoạt động của dây chuyền, phát hiện được những hiện tượng bất thường và kịp thời tự chỉnh sửa không phải dừng máy trong thời gian thực. Không chỉ đơn thuần là áp dụng, mà từ đó xuất hiện những giải pháp rất sáng tạo. Ví dụ, theo dõi hoạt động của một dây chuyền chế biến một loại nước giải khát, đôi khi vì thêm bớt một vài thông số theo tỷ lệ không phù hợp, nên có thể làm biến chất, thường là nổi váng trên bề mặt chất lỏng. Trong trường hợp đó, kỹ thuật viên giám sát nếu phát hiện màu sắc và kích cỡ của váng nổi quá bất thường thì sẽ quyết định cho dừng máy, rồi lấy mẫu đưa vào phòng thí nghiệm để phán xét giải pháp chỉnh sửa. Nhưng ở đây, dùng camera với phương pháp “thị giác máy” (computer vision) kèm theo phần mềm tính toán sẵn để so sánh với các ảnh có kích thước, màu sắc định chuẩn, rồi từ đấy tìm giải pháp chỉnh sửa trong thời gian thực mà không phải dừng máy.
Các ví dụ trên đều là những kinh nghiệm trích dẫn từ các công trình dự thi các Giải thưởng Sáng tạo khoa học do Vifotec quản lý. Có dây chuyền chế biến nông sản Việt không những đạt yêu cầu cao về chất lượng mà giảm tiền đầu tư xuống chỉ bằng 1/10, so với đầu tư từ nước ngoài. Đó là những kinh nghiệm cần phổ biến lan tỏa, như là một trong các chức trách của Vifotec. Đấy là chưa kể đến các bài học chắt lọc trong các tài liệu giáo khoa và trên mạng internet. Trong mảng chuyên đề này nếu có sự hợp tác chặt chẽ với Hội tự động hóa Việt Nam thì còn có thể đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa.
Điều đó càng chứng tỏ rằng Vifotec hoàn toàn nên được các cấp thẩm quyền giao trách nhiệm và tạo nguồn kinh phí thuận lợi để đảm nhiệm thêm mảng công tác Trung tâm Tập huấn chuyên đề Đổi mới sáng tạo, phấn đấu thành lực lượng xung kích triển khai chủ trương Đổi mới sáng tạo vì Đất nước hùng cường, mà Đảng và Nhà nước đang phát động.
GS. TSKH. NGND. Nguyễn Thiện Phúc