Ngày 07/12/2022, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức chương trình Kỷ niệm 25 năm Internet Việt Nam và Internet Day 2022 với sự ủng hộ của Bộ Thông tin và Truyền thông
Năm 2022 đánh dấu mốc kỷ niệm 25 năm Khai trương dịch vụ Internet Việt Nam, cũng là năm thứ 11 sự kiện Internet Day được tổ chức. Tại sự kiện lần này, các nội dung chương trình được tập trung vào xây dựng và tích hợp từ các đề xuất và sáng kiến của cộng đồng Internet tại trong nước nhằm định hình tương lai của Internet Việt Nam trong một phần tư thế kỷ tiếp theo.
Chúng ta biết rằng, tài nguyên Internet Việt Nam (Tên miền quốc gia “.vn”, địa chỉ IP, số hiệu mạng) là các tham số định danh, kết nối các thực thể tham gia vào hoạt động Internet, đóng vai trò cốt yếu cho sự vận hành, phát triển của Internet trong suốt 25 năm qua. Vai trò này càng trở nên quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, Internet trở thành một trong những hạ tầng quan trọng của nhân loại. Khi Internet là nền tảng hạ tầng cho nền kinh tế số, tài nguyên Internet càng phát huy vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn bền vững của Internet Việt Nam.
Việt Nam tuy bắt đầu chậm so với tiến trình toàn cầu nhưng sau 25 năm, đã vươn lên bắt kịp và đi cùng các nước trong khu vực và thế giới. Giờ đây, Việt Nam trở thành một nước mạnh về viễn thông – Internet với công nghệ hiện đại, mức phổ cập Internet cao
Thành tựu đạt được của 25 năm Internet Việt Nam kết tinh từ sự chỉ đạo, định hướng phát triển chiến lược của Đảng, Chính phủ và sự đồng lòng, hưởng ứng, chung tay xây dựng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Hạ tầng Internet Việt Nam phát triển mạnh đã chiếm lĩnh hơn 70% người dùng
Ở thời điểm hiện tại, hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc. 19,79 triệu hộ gia đình Việt Nam đã có cáp quang, chiếm 72,4%.
Hệ thống cáp quang triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản và 100% trường học. Việt Nam hiện có 94,2 triệu thuê bao smartphone di động. Số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu, chiếm tỷ lệ 74,3% dân số.
Theo thống kê tại thời điểm đó, số người sử dụng mạng Internet tại Việt Nam chỉ hơn 200.000 người. Đến năm 2002, số người sử dụng Internet tại Việt Nam đã tăng lên 3 triệu người, chiếm khoảng 4% dân số cả nước. Năm 2007, con số đã tăng lên 20 triệu người, chiếm 24% dân số cả nước.
Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Tuyền thông cho thấy, tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam vào khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á.
Người dùng Việt Nam dành trung bình 7 tiếng mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan đến Internet. Tỷ lệ người dùng sử dụng Internet hàng ngày tại Việt Nam lên tới 94%.
Để nhìn lại chặng đường 25 năm đã qua của Internet Việt Nam và cùng định hình tương lai của Internet Việt Nam trong một phần tư thế kỷ tiếp theo, chương trình đưa ra những nội dung chuyên môn sâu thông qua các bài tham luận của các chuyên gia.
Bên cạnh đó, chương trình còn có các phiên chuyên môn thể hiện các chủ đề liên quan đến thực trạng và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong hệ sinh thái Internet, nhấn mạnh và thúc đẩy các lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang lại cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam.
Bên lề sự kiện, triển lãm công nghệ đặc sắc với sự tham gia trưng bày sản phẩm từ nhiều doanh nghiệp mang tới những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực viễn thông và Internet.
Thanh Nga