Khi máy móc biết “chủ động sống thay người” Công nghệ vào cuộc - Giao thông không còn vấn nạn |
AI đã len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống
Đứng về phía những người cảnh báo là Daniel Kokotajlo - một cựu chuyên gia tại OpenAI, nay điều hành một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu viễn cảnh tương lai của AI. Ông dự báo rằng trí tuệ nhân tạo cấp độ cao (AGI) có thể vượt khỏi tầm kiểm soát con người trước năm 2030 và kêu gọi khẩn trương xây dựng hàng rào pháp lý lẫn đạo đức để tránh một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Nhóm nghiên cứu của ông từng công bố một báo cáo với viễn cảnh không mấy sáng sủa: nếu không kiểm soát từ sớm, AI có thể chi phối hoặc thậm chí đe dọa sự tồn tại của nhân loại chỉ trong vòng vài năm tới.
AGI là viết tắt của cụm từ Artificial General Intelligence - khái niệm chỉ một hệ thống AI có khả năng hiểu, học hỏi và thực hiện bất kỳ nhiệm vụ trí tuệ nào mà con người có thể làm được, tức là AI có trí thông minh ngang hoặc vượt con người, không chỉ giới hạn trong một lĩnh vực cụ thể như các hệ thống AI hiện nay (ví dụ: ChatGPT là dạng AI chuyên biệt, chưa đạt AGI). AGI được xem là “đích đến cuối cùng” trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, nhưng cũng là một chủ đề gây tranh cãi gay gắt vì tiềm ẩn cả cơ hội lớn lẫn rủi ro nghiêm trọng cho nhân loại.
![]() |
Ở chiều đối lập, các học giả như Sayash Kapoor và giáo sư Arvind Narayanan từ Đại học Princeton lại cho rằng những kịch bản “tận thế công nghệ” như vậy là thiếu căn cứ. Theo họ, AI vẫn hoàn toàn nằm trong khuôn khổ do con người tạo ra, từ cấu trúc đến quy trình đào tạo. Việc thổi phồng năng lực của AI, theo họ, chỉ khiến xã hội lơ là với những vấn đề thiết thực hơn, như sự thiên lệch trong dữ liệu, nguy cơ mất việc do tự động hóa hay việc lạm dụng công nghệ vào mục đích giám sát.
Cuộc tranh luận này phản ánh câu hỏi lớn nhất của thời đại: Liệu chúng ta nên dồn lực vào việc ngăn chặn các rủi ro còn mơ hồ, hay tập trung xử lý những hệ quả đã hiển hiện? Dù bất đồng, hai phe cùng đồng thuận một điểm: AI không còn là chuyện viễn tưởng – nó đã và đang tác động sâu sắc đến cách chúng ta học tập, lao động và ra quyết định (Nguồn: “The Paranoids Are Winning”, The New Yorker, 27/5/2025).
Hai lối nhìn, một ngã rẽ tương lai
Daniel Kokotajlo đại diện cho trường phái “chủ động phòng ngừa thảm họa” - vốn phổ biến trong cộng đồng nghiên cứu an toàn AI. Quan điểm này bắt nguồn từ giả thuyết về sự phát triển vượt cấp, khi AI đạt đến một ngưỡng nhất định, nó có thể tự cải tiến và nhanh chóng vượt mặt trí tuệ con người. Các chuyên gia theo xu hướng này đề xuất những biện pháp như cơ chế “dừng khẩn cấp”, khung đạo đức mang tính toàn cầu và hệ thống giám sát tự động.
Ngược lại, Kapoor và Narayanan cổ vũ cách tiếp cận thực tiễn hơn, nhấn mạnh sự cần thiết của việc “hiểu AI như nó đang là, chứ không phải như chúng ta tưởng tượng”. Họ cảnh báo rằng việc ám ảnh với khái niệm “siêu trí tuệ” có thể bị các tập đoàn công nghệ lớn lợi dụng để tô vẽ cho sản phẩm. Theo họ, cần ưu tiên nguồn lực cho việc nghiên cứu vận hành nội tại của AI, phân tích các dạng sai lệch trong dữ liệu và ảnh hưởng thực tế đến đời sống người dân.
Trong bối cảnh đó, chính sách AI trên thế giới đang có xu hướng dung hòa cả hai hướng tiếp cận. Ở Mỹ và châu Âu, các đạo luật như EU AI Act hay chỉ đạo từ Nhà Trắng yêu cầu minh bạch, trách nhiệm giải trình và kiểm soát rủi ro trong phát triển AI. Đồng thời, các phòng thí nghiệm công nghệ hàng đầu như OpenAI, Anthropic hay Google DeepMind cũng đang tích cực tham gia các diễn đàn kiểm soát AI cấp cao như Frontier Model Forum.
Tựu trung lại, dù theo đuổi con đường nào, cẩn trọng hay lạc quan thì điều quan trọng nhất vẫn là giữ được thái độ tỉnh táo và chủ động, để công nghệ luôn phục vụ con người, thay vì điều ngược lại.
![]() |
Thời khắc định hình lại bản đồ công nghệ?
Để có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng và hướng đi của AI trong thời gian tới, xin trích dẫn những đánh giá mới nhất từ các tên tuổi hàng đầu đang trực tiếp định hình tương lai công nghệ cũng như một vài dự báo.
Sam Altman (CEO OpenAI) & Jony Ive (cựu Giám đốc Thiết kế Apple): Tại London, hai nhân vật này đang bắt tay phát triển một thiết bị AI không màn hình, tương tác bằng micro và camera, với mục tiêu đưa AI tiến gần hơn tới vai trò “trợ lý tự nhiên” trong cuộc sống hằng ngày. (Nguồn: The Times)
Yuval Noah Harari (nhà sử học): Trong một cuộc phỏng vấn, Harari cảnh báo rằng AI không chỉ thay đổi kinh tế mà còn có thể xâm nhập vào đời sống cảm xúc và bản sắc con người, làm biến dạng hệ giá trị cá nhân. Ông kêu gọi tổ chức một đối thoại toàn cầu nghiêm túc về hệ lụy đạo đức của AI. (Nguồn: The Economic Times).
Giáo sư Subhash Kak (Khoa học máy tính, Mỹ): Ông cảnh báo rằng nếu AI tiếp tục thay thế phần lớn công việc, dân số toàn cầu có thể giảm mạnh - ước tính chỉ còn khoảng 100 triệu người vào năm 2300 do chi phí nuôi dạy trẻ vượt quá khả năng kinh tế của phần đông dân cư. (Nguồn: The Sun)
Jeetu Patel (Giám đốc sản phẩm tại Cisco): Trong một cuộc trò chuyện với Business Insider, Patel nhấn mạnh hai kỹ năng quan trọng thời AI: khả năng điều phối giữa con người và máy móc, và năng lực sáng tạo chất lượng cao. Theo ông, AI sẽ làm thay những việc lặp đi lặp lại, để con người tập trung vào giải quyết các vấn đề lớn. (Nguồn: Business Insider)
Báo cáo AI Index 2025 (Đại học Stanford): Đây đang là tài liệu tham khảo chủ chốt của các nhà hoạch định chính sách khi đưa ra quyết định về AI. Báo cáo tổng hợp các xu hướng nghiên cứu, số lượng bằng sáng chế, ấn phẩm học thuật và các hệ thống AI nổi bật. (Nguồn: Stanford HAI)
theCUBE Research: Theo dự báo, năm 2025 sẽ đánh dấu sự chuyển mình từ AI tạo sinh sang AI có khả năng hành động độc lập hay còn gọi là Agentic AI. Sự chuyển hướng này đòi hỏi phải đánh giá lại toàn bộ hệ sinh thái công nghệ hiện tại vì các năng lực và hạ tầng cũ sẽ không còn đáp ứng được. (Nguồn: theCUBE Research)
Pew Research Center: Một khảo sát gần đây cho thấy 56% chuyên gia AI tin rằng công nghệ này sẽ mang lại tác động tích cực cho Hoa Kỳ trong 20 năm tới, trong khi chỉ 17% người dân nghĩ vậy. Tuy nhiên, cả hai nhóm đều đồng loạt lo ngại về tác động tiêu cực đến bầu cử và hệ sinh thái truyền thông. (Nguồn: Pew Research Center).
![]() |
Giữ vững bản lĩnh giữa cơn lốc đổi thay
Khi AI đang từ phòng thí nghiệm tiến thẳng vào từng ngõ ngách đời sống, điều quan trọng không phải là tin vào một phe nào tuyệt đối, mà là giữ được cái nhìn tỉnh táo trước những biến động. Chúng ta hoàn toàn có thể trân trọng những bước tiến vĩ đại của công nghệ, từ xử lý ngôn ngữ, thị giác máy tính đến hệ thống tự động…, mà không cần gắn liền nó với nỗi sợ về một tương lai bị chi phối.
Câu hỏi lớn không phải là AI có trở thành “Chúa trời silicon” hay không, mà là: ai đang điều khiển nó, với mục tiêu gì, và trong khuôn khổ quyền lực, luật lệ nào? Hiểu về AI đồng nghĩa với hiểu về con người, tổ chức và cơ chế xã hội. Chính những yếu tố ngoài kỹ thuật sẽ quyết định hướng đi của AI.
Tương lai của trí tuệ nhân tạo không được định sẵn trong một dòng mã, nó đang được viết từng ngày, bởi những con người rất thật. Vì vậy, điều khôn ngoan nhất lúc này chính là giữ cho mình sự phản biện, một tinh thần khai minh và trách nhiệm không chỉ cho hôm nay, mà cho cả thế hệ mai sau.