Ngày 6/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) có văn bản số 797/BTTTT-THH do Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng ký hướng dẫn một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy triển khai chuyển đổi số năm 2022.
• Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ số vào năm 2025
• Bộ Thông tin và Truyền thông khởi động chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số
Bộ TT và TT nêu rõ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, chuyển đổi số và nhiệm vụ cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT và TT đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022 với định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số và quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai 22 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong năm 2022.
Theo đó, có 6 định hướng cụ thể, gồm: Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, trong đó chú trọng hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện các môn học về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm; phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện; phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng; phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến do cơ quan chính quyền các cấp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp; phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để thực hiện được mục tiêu xuyên suốt đó, Bộ đề ra 22 nhóm giải pháp thực hiện vừa mang tính trung hạn, vừa mang tính ưu tiên triển khai trong năm 2022. Trong đó,
Bộ cũng ban hành Kế hoạch thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao hiệu quả; kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế tại địa phương.
Ngoài ra là các giải pháp về thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Ban hành Kế hoạch sử dụng hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc rà soát, đánh giá, bảo đảm trung tâm dữ liệu và nền tảng, dịch vụ điện toán đám mây phục vụ chính phủ số, chính quyền số tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp; công bố công khai danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung để hệ thống hóa tài nguyên dữ liệu, tăng cường quản trị, nâng cao chất lượng dữ liệu và thúc đẩy chia sẻ dữ liệu. Công bố công khai danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu.
Chuyển đổi số quốc gia có một phần rất quan trọng là hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp. Bởi vì đây là lực lượng góp phần làm nên kinh tế số. Do đó, văn bản 797/BTTTT-THH yêu cầu ban hành Chương trình đánh giá xác định chỉ số mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số theo tinh thần các quyết định triển khai đã được Bộ TT và TT ban hành trước đó.
Nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các nền tảng số quốc gia, Bộ TT và TT cũng cho biết thường xuyên công bố, định kỳ cập nhật danh mục các nền tảng số Việt Nam xuất sắc phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia với các hoạt động tuyên truyền phổ biến nhận thức mạnh mẽ về chuyển đổi số. Trong lộ trình đặt ra của Việt Nam, năm 2022 sẽ là năm tăng tốc của các hoạt động chuyển đổi số.
Tháng 12/2020, phát biểu tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT, Thứ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là xu hướng mới chưa có tiền lệ. Do đó, chúng ta phải kết nối, chia sẻ. Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người”. Thứ trưởng cũng kêu gọi thực hiện 4 chương trình hành động cụ thể.
Ngày 24/9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg đổi tên Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số nhằm kiện toàn nhân sự của Ủy ban và bổ sung các chức năng nhiệm vụ nhằm đáp ứng tốt hơn mục tiêu xây dựng quốc gia số. Thủ tướng Phạm Minh Chính là Chủ tịch Ủy ban. Bộ TT và TT làm nhiệm vụ thường trực của Ủy ban.
Bảo Hà