Tham dự Hội thảo có: Đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Đồng chí Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đồng chí Nguyễn Doãn Toản - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ; Đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.
![]() |
Đại diện các đơn vị tổ chức Hội thảo |
Về phía các đơn vị tổ chức, Hội thảo có sự tham dự của: Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Thành ủy viên, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội; GS. Lê Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội; PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Phó Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội; TS. Vũ Xuân Hùng - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp Thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, Hội thảo thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ hơn 70 đại học, trường đại học, cao đẳng và học viện trong cả nước; một số chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các đại học uy tín trong khu vực và thế giới; các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phát biểu tại hội thảo |
Nghị quyết 57-NQ/TW là động lực thúc đẩy khoa học công nghệ Hà Nội phát triển mạnh mẽ
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội khẳng định Hà Nội hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đi đầu trong thực thi Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong tiến trình đó, các cơ sở giáo dục đại học có vai trò rất quan trọng, là trung tâm trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển tri thức mới, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, hội thảo là diễn đàn để các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng DN cùng trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thực thi Nghị quyết số 57-NQ/TW hiệu quả.
![]() |
GS. Lê Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội |
Các giải pháp cần thảo luận xoay quanh tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng tại các cơ sở giáo dục đại học - cao đẳng trong triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW; phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ cao, chú trọng các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, big data, bán dẫn, năng lượng tái tạo, công nghệ lượng tử,...song song với các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chiến lược; thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường; xác định các điểm nghẽn và rào cảm, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ, tạo đột phá về thể chế, chính sách, tài chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực; phát triển mô hình liên kết hiệu quả giữa Nhà nước – doanh nghiệp – trường đại học – khu công nghệ cao; thu hút và phát triển nguồn lực trí thức Việt Nam ở nước ngoài;...
Với nền tảng tri thức, công nghệ và nhân lực hiện có, hệ thống giáo dục đại học tại Hà Nội có đủ điều kiện để khẳng định vai trò tiên phong trong quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW.
Đại học Bách khoa Hà Nội nỗ lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô
Trình bày tham luận tại Hội thảo sáng nay, GS. Lê Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra những đề xuất của Nhà trường về các công nghệ chiến lược, chương trình nghiên cứu trọng điểm phục vụ phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội.
Dựa trên nền tảng Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 193/2025/QH15, Luật số 34/2018/QH14, Luật số 39/2024/QH15, Quyết định số 663/QĐ-TTg 25/3/2025, Quyết định số 2586/QĐ-BGDĐT 19/9/2024, Đảng uỷ Đại học Bách khoa Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 86-NQ/ĐU, trong đó nhấn mạnh 5 quan điểm phát triển khoa học - công nghệ như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là cốt lõi và bao trùm;
Thứ hai, tập trung ưu tiên nghiên cứu phát triển công nghệ lõi, công nghệ chiến lược, chú trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu;
Thứ ba, chuyển đổi số theo định hướng dựa trên trí tuệ nhân tạo biến đổi (transformative AI), tập trung đào tạo trên nền tảng đại học số;
Thứ tư, phát triển con người, thu hút, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả nhân tài phải được coi là nhiệm vụ then chốt của then chốt;
Thứ năm, huy động mọi nguồn lực, phát huy tối đa nội lực, khơi thông sáng tạo, trí tuệ con người Bách khoa, tận dụng hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp.
![]() |
Các đại biểu tham gia Hội thảo |
![]() |
Hội thảo kết thúc thành công với sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo, các đơn vị đào tạo và đại biểu tham dự |
Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội, GS. Lê Anh Tuấn trình bày các đề xuất của Nhà trường với Thủ đô, gồm 8 công nghệ chiến lược, 4 cơ chế chiến lược, 6 chương trình chiến lược và 4 nhiệm vụ.
8 công nghệ chiến lược gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI); Dữ liệu lớn (Big Data); Internet vạn vật (IoT); Công nghệ chuỗi khối (Blockchain); Công nghệ sinh học và y sinh; Công nghệ vật liệu mới và năng lượng sạch; Công nghệ tự động hóa và robot; Công nghệ an ninh mạng và bảo mật thông tin.
4 cơ chế chiến lược là: Cơ chế đặt hàng chiến lược của Thành phố thông qua các chương trình nghiên cứu trọng điểm; Thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo Hà Nội theo hình thức Nhà nước đầu tư – Doanh nghiệp vận hành; Thành lập Liên minh Đổi mới Sáng tạo các đại học trên địa bàn Hà Nội; Cơ chế thử nghiệm công nghệ đô thị (Urban Sandbox).
Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất 6 chương trình nghiên cứu chiến lược phối hợp cùng thành phố phục vụ tăng trưởng GRDP và phát triển bền vững của Thủ đô. Đó là: Hệ sinh thái AI đô thị Hà Nội; Phát triển công nghiệp công nghệ cao quy mô nhỏ; Chợ công nghệ số và nền tảng thương mại hóa tri thức; Bản đồ số năng suất và tác động khoa học công nghệ Hà Nội; Trung tâm mô phỏng - dự báo rủi ro đô thị; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giáo dục thông minh.
Ngoài ra, Thủ đô nên chú trọng 4 nhiệm vụ gồm: Tư vấn chiến lược chuyển đổi số, đô thị thông minh; Đào tạo nhân lực kỹ thuật – công nghệ cao; Ứng dụng số trong bảo tồn di sản và du lịch thông minh; Chuyển đổi số giáo dục phổ thông, dạy nghề.
Với vai trò là đại học kỹ thuật hàng đầu cả nước, Đại học Bách khoa Hà Nội cam kết sát cánh cùng thành phố để tạo nên những bước chuyển thực chất, bền vững và đột phá góp phần thực hiện tầm nhìn đưa Hà Nội trở thành thành phố thông minh – xanh – hiện đại vào năm 2045, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên vươn mình.
Bài/ảnh: (HUST)
Thu Huệ - Duy Thành