Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong những năm qua.
• Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024
Ngày 5/6, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững” nhằm mục tiêu cung cấp thông tin chính sách, các điều kiện hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan cho nỗ lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”. Trong đó, đặt ra mục tiêu nâng cao đóng góp của khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp.
Để có thể hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã được ban hành và có những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; hướng mạnh việc gắn nhiệm vụ khoa học và công nghệ với sản phẩm đầu ra, với thực tiễn và thị trường; kiên trì thực hiện trao quyền tự chủ tối đa cho các tổ chức khoa học và công nghệ gắn với trách nhiệm giải trình; khuyến khích doanh nghiệp và khu vực tư nhân thành lập viện nghiên cứu và doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đến nay, đã hình thành các kênh tài chính hỗ trợ viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp thông qua hệ thống các quỹ quốc gia về khoa học và công nghệ.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã được ban hành khá đầy đủ, đồng thời, đã xây dựng công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số, xây dựng và triển khai đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cho chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, cũng như triển khai hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp về chuyển đổi số,…
Nhờ đó, có hơn 13.800 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số; gần 400 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên sâu xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số, 28 doanh nghiệp được đào tạo trực tiếp tại DN cho về chuyển đổi số; Mạng lưới hơn 120 tổ chức, cá nhân cung cấp giải pháp, tư vấn, đào tạo chuyển đổi số được sàng lọc, thành lập, đào tạo và kết.
Những giải pháp trọng tâm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số
Nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số (CĐS), bà Trịnh Thị Hương đã đưa ra 3 giải pháp.
Thứ nhất, đào tạo chuyên sâu nâng cao năng lực CĐS cho doanh nghiệp (Đào tạo lãnh đạo, quản lý DN; đào tạo người lao động và kỹ sư công nghệ số; đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn thông qua chương trình Quốc tế).
Thứ hai, tư vấn lộ trình và tư vấn triển khai cho doanh nghiệp, triển khai tư vấn xây dựng chiến lược, lộ trình CĐS ; tư vấn triển khai những bài toán thực tế mà doanh nghiệp có nhu cầu;
Thứ ba, hỗ trợ các giải pháp CĐS như hỗ trợ kết nối hỗ trợ một phần/toàn phần về một số phần mềm công nghệ cụ thể để doanh nghiệp ứng dụng.
Bên cạnh đó, bà Hương cũng nhấn mạnh đến xu hướng chuyển đổi kép, nghĩa là chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh. Chuyển đổi kép – chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.
Cùng quan điểm với bà Hương, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là tất yếu. Nếu Việt Nam không bắt trọn cơ hội này, thì không còn cơ hội khác. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động bắt nhịp xu thế và thành công trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tiêu biểu như FPT,… Tuy nhiên, đây là cuộc cách mạng về thể chế, chính sách, nên rất nhiều vấn đề đặt ra. Vì vậy, cần vừa làm vừa chạy, không thể ngồi chờ thể chế hoàn thiện.
“Để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, về mặt quản trị nhà nước và doanh nghiệp, có 4 từ rất quan trọng là: tốc độ, linh hoạt, các bên liên quan tác động sự tham gia của họ, thí điểm/học hỏi. Tóm lại, xu thế không chờ chính sách”, ông Thành nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thy Nga – Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá, cần tạo ra sự kết nối của chính sách CĐS và Đổi mới sáng tạo nhằm thu hút nguồn lực tri thức, hỗ trợ nâng cao vai trò của doanh nhân trong thời đại mới.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để tạo ra sự liên kết, liên thông về cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Với vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), tổ chức này nên là đầu mối, là trung tâm tập hợp tổng thể hệ thống cơ chế, chính sách ở tầm quốc gia về đổi mới sáng tạo.
Các thông tin này cần được cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, để các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các đối tác dễ dàng nắm bắt, qua đó đáp ứng các nhu cầu đa dạng của họ. NIC nên triển khai thí điểm mô hình tập hợp tất cả các ý kiến đóng góp, các sáng kiến về đổi mới sáng tạo nói riêng, sự phát triển của Việt Nam nói chung từ các chuyên gia, trong đó có đội ngũ trí thức, chuyên gia ở nước ngoài. Từ thu hút đóng góp về ý tưởng, cần tiến đến thu hút về vốn, kiều hối.
Hà An