Phương án dạy 2 buổi mỗi ngày đối với giáo dục phổ thông, cần hiểu như thế nào? |
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đưa ra ý kiến trong buổi họp báo Chính phủ, chiều 6/4.
Theo Thứ trưởng, nhiều trường THCS, THPT hiện chưa đủ cơ sở vật chất, giáo viên và chưa có chương trình để dạy 2 buổi mỗi ngày, đồng thời nhu cầu của học sinh 2 cấp học này ở các địa phương cũng khác nhau.
Được biết, chương trình đào tạo 2 buổi/ngày đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, chương trình dạy 2 buổi mới áp dụng đồng bộ cho bậc Tiểu học.
![]() |
Dạy 2 buổi có thể triển khai ở các đơn vị đủ cơ sở vật chất và có chương trình đào tạo rõ ràng, dựa trên nhu cầu thực và hướng tới phát triển kỹ năng, đào tạo công nghệ, hướng nghiệp (Ảnh minh họa, Internet) |
Để phương án đào tạo này có thể triển khai, đạt hiệu quả, theo Thứ trưởng, cần ba yếu tố:
Thứ nhất, cơ sở vật chất phải đầy đủ: Học sinh buổi trưa được ăn, nghỉ tại trường; trường phải đủ sân chơi, bãi tập cho hoạt động thể chất và kỹ năng khác.
Thứ hai, các trường phải đảm bảo đủ số lượng giáo viên.
Thứ ba, chương trình dạy và tổ chức các hoạt động cần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Khảo sát nhanh cho thấy, việc yêu cầu các cơ sở giáo dục THCS, THPT bắt buộc dạy 2 buổi/ngày chưa phù hợp, vì rất nhiều đơn vị chưa đủ ba điều kiện như trên. Bên cạnh đó, nhu cầu của học sinh 2 cấp này đa dạng, phân hóa cao, nhiều trường chưa đáp ứng được.
Theo đó, yêu cầu trước mắt phải bảo đảm học tốt chính khóa, còn buổi học 2 theo nhu cầu và năng lực quản lý của từng trường.
Với cấp THCS, THPT, Bộ đã có hướng dẫn dạy 2 buổi/ngày từ năm 2010, khuyến khích với các trường đủ điều kiện. Theo ông Thưởng, hiện số trường tổ chức hoạt động này đã "tăng lên rất nhiều" so với 10 năm trước. Tuy nhiên, việc dạy 2 buổi ở nhiều đơn vị giáo dục chú trọng kiến thức văn hóa gây áp lực cho học sinh.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, đánh giá lại để ra hướng dẫn chung toàn quốc. Theo đó, quan điểm của Bộ là nâng cao chất lượng chính khóa, giảm áp lực học tập cho học sinh; bảo đảm mục tiêu giáo dục các cấp học đề ra. Ngoài ra, học sinh được phát triển phẩm chất năng lực toàn diện, không chỉ kiến thức phổ thông mà còn phát triển thể chất, tâm hồn, thể thao, AI, ngoại ngữ,... phù hợp với tâm lý, lứa tuổi. Việc tổ chức chương trình 2 buổi/ngày phải đáp ứng được tất cả các yêu cầu giáo dục trên.
Đặc biệt, buổi học 2 phải trên tinh thần tự nguyện, vì học sinh THCS, THPT có nhu cầu khác nhau, khi định hướng nghề nghiệp đã hình thành.