Nghị quyết số 68-NQ/TW:
![]() |
Khu vực kinh tế tư nhân chiếm 51% GDP, đóng góp 33% tổng thu ngân sách Nhà nước nên cần nhiều cơ chế đặc biệt hỗ trợ để phát huy vai trò là động lực quan trọng nhất vào năm 2030. Ảnh minh hoạ |
Sáng 16/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là bước đi quan trọng, kịp thời thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng, đặc biệt là trong các văn kiện Đại hội XIII và gần đây là Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đề xuất nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Quan tâm đến các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định 4 nhóm đối tượng được miễn, giảm thuế quy định tại Điều 10. So với các chính sách khuyến khích khác như ưu đãi tín dụng, tiếp cận đất đai, đào tạo nhân lực, cải cách thủ tục hành chính thì hỗ trợ miễn, giảm thuế có tác động nhanh, không phải qua nhiều thủ tục, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Để chính sách này có hiệu quả khi triển khai thực hiện, đại biểu đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo thay vì miễn thuế 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo như khoản 1 Điều 10 dự thảo Nghị quyết.
![]() |
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh |
Đại biểu phân tích, đặc thù của nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần kinh phí đầu tư lớn, thời gian đầu tư kéo dài để nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ, tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đồng thời liên tục phải điều chỉnh để thích nghi với biến động của thị trường. Trong suốt quá trình đó, họ phải chấp nhận nguy cơ thua lỗ, thậm chí có thể không có lãi trong 5 -7 năm đầu. Việc chỉ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo Nghị quyết là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp, đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, chính sách thuế cần được thiết kế theo hướng đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn hình thành và tích lũy ban đầu. Kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ tạo dư địa tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Đây cũng là giải pháp thiết thực để Nhà nước thể hiện vai trò kiến tạo, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, lực lượng tiên phong góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị nâng thời hạn miễn Thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bởi, các chuyên gia, nhà khoa học là nhân sự nòng cốt, trực tiếp tạo ra giá trị công nghệ, đổi mới sáng tạo và đưa sản phẩm ra thị trường. Thực tiễn cho thấy, nhiều quốc gia có chính sách cạnh tranh rất mạnh mẽ trong lĩnh vực này. "Nếu chúng ta không có chính sách đủ hấp dẫn, cạnh tranh thì sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nhân tài và khó tạo được bước đột phá về công nghệ trong tương lai", đại biểu nhấn mạnh.
Về các chính sách hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực (Chương V), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đánh giá, dự thảo Nghị quyết đang quy định rất chung chung và chưa đủ mạnh. Ví dụ, việc "cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh" là cần thiết nhưng còn quá chung chung. Đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể hơn đối với danh mục các loại dịch vụ được cung cấp miễn phí, các công việc được hỗ trợ để khâu tổ chức thực hiện được thống nhất và rõ ràng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Đại biểu nhấn mạnh, Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đất nước đang tăng tốc phát triển bước vào kỷ nguyên mới. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm 51% GDP, đóng góp 33% tổng thu ngân sách Nhà nước nên cần nhiều cơ chế đặc biệt hỗ trợ để phát huy vai trò là động lực quan trọng nhất vào năm 2030.
Dự thảo Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp, đại biểu cho rằng để đạt mục tiêu này phải có giải pháp đặc biệt. Hiện nay, mỗi năm cả nước chỉ tăng khoảng 30.000 - 40.000 doanh nghiệp nên để sau 5 năm nữa đạt con số 2 triệu doanh nghiệp thì phải có chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể để trở thành doanh nghiệp. Cùng với đó, cần nâng cao, mở rộng những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.
Đồng tình với những chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất bổ sung nội dung những địa phương có đất đai, có tiềm năng, thế mạnh thì tạo cơ chế thành lập khu công nghiệp để doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê với chính sách hỗ trợ.
"Muốn độc lập, tự chủ về kinh tế thì khu vực tư nhân phải lớn mạnh; do đó, cần điều khoản khuyến khích các địa phương tạo đất sạch cho khu vực kinh tế tư nhân", đại biểu chỉ rõ.
![]() |
Quang cảnh Hội trường Quốc hội. |
Cần có những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, tháo gỡ các rào cản về thể chế, nguồn lực
Trước đó vào chiều 15/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng và Đoàn ĐBQH các tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên, Gia Lai về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, để khu vực này thực sự bứt phá, cần có những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, tháo gỡ các rào cản về thể chế, nguồn lực và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Dự thảo Nghị quyết được kỳ vọng là "cú hích" quan trọng, thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chỉ ra 3 vấn đề doanh nghiệp quan tâm, bao gồm cắt giảm thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng và tiếp cận đất đai. Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, quy định rõ trong Nghị quyết này, giảm bao nhiêu phần trăm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Để quy định thực chất, hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần xem xét rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cũng như hạn chế, chấm dứt tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức.
Đối với dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền và đổi mới công tác xây dựng pháp luật, nhất là Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật. Qua đó, tạo bước đổi mới đột phá, chiến lược, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Cho ý kiến cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại phạm vi điều chỉnh. Hiện, dự thảo Nghị quyết chỉ mới đề cập đến phạm vi điều chỉnh trong xây dựng pháp luật, trong khi đó, nội hàm tổ chức thi hành pháp luật lại chưa quy định cụ thể, rõ ràng.
“Phạm vi điều chỉnh trong thực thi pháp luật rất rộng nhưng không vì rộng mà không quy định”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm.
Về đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính cho công tác xây dựng pháp luật, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, cần rà soát, xem xét thấu đáo theo quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để làm rõ vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng được thụ hưởng chính sách đặc biệt trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nhằm tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị xem xét nâng mức khoán, hỗ trợ nghiên cứu luật cho các đại biểu Quốc hội, gồm cả đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm để khuyến khích cống hiến.
Ngày 5/5 vừa qua, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc. Đây là Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. |