Giám đốc Văn phòng phía Nam Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại Hội thảo. |
Nhằm lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia trong việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực, nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, chiều ngày 6/12/2024 Văn phòng phía Nam Bộ Khoa học & Công nghệ đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá hiệu quả thực tiễn các phương pháp xét chọn, kiểm tra, nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia ngoài chương trình đối với Viện nghiên cứu, trường Đại học”.
Tại Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi từ phía các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự về vấn đề xác định các nhiệm vụ đột phá, tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi thúc đẩy các nghiên cứu đột phá, xuất sắc. Trong đó, các diễn giả đã nhấn mạnh việc đề xuất đặt hàng, xác định các nhiệm vụ khoa học & công nghệ là khâu đầu tiên và rất quan trọng.
PGS.TS Từ Diệp Công Thành - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ thông tin tại Hội thảo. |
Đồng thời, các diễn giả cũng gợi mở từ các ý kiến trao đổi tại Hội thảo là để thúc đẩy các nghiên cứu xuất sắc cần thiết có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cùng nguồn tài trợ nghiên cứu với cơ chế thuận lợi, phù hợp với các đặc thù của công tác nghiên cứu khoa học. Để thực hiện được việc này, cần sự phối hợp, đồng hành của các nhà quản lý, các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các tổ chức khoa học & công nghệ, các tổ chức, cơ quan khác có liên quan.
PGS.TS Từ Diệp Công Thành - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Bộ nghành - Địa phương - Doanh nghiệp đặt hàng. Vậy quy trình nào để đặt hàng đúng yêu cầu liên quan đến các chỉ tiêu kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính mới, tránh trùng lặp, phù hợp với khung chương trình, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, địa phương. Viện - Trường - Nhà Khoa học cần đề xuất tính tổng thể, gắn với đối tượng sử dụng, gắn kết với nhiệm vụ khác và trình độ công nghệ đề xuất thực hiện”.
Về vấn đề trên, TS Phạm Ngọc Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển Bền vững (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nhấn mạnh: “Khâu đề xuất đặt hàng, xác định các nhiệm vụ khoa học & công nghệ là khâu đầu tiên và rất quan trọng để nhiệm vụ khoa học & công nghệ có thực sự xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế - xã hội và gắn kết phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hay không? Do đó, nhiệm vụ khoa học & công nghệ cần lấy ý kiến của các nghành, địa phương và doanh nghiệp có liên quan trước khi tổng hợp thành danh mục các nhiệm vụ khoa học & công nghệ hàng năm, thông qua Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học & công nghệ trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
TS Phạm Ngọc Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển Bền vững (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) chia sẻ thông tin tại Hội thảo. |
Luật Khoa học và Công nghệ đã quy định trách nhiệm của bên đặt hàng nhiệm vụ khoa học & công nghệ và bên thực hiện nhiệm vụ khoa học & công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có nghĩa vụ, trách nhiệm tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học & công nghệ. Đồng thời, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học & công nghệ ứng dụng thành công kết quả nghiên cứu khoa học & phát triển công nghệ được hưởng lợi ích do việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống theo hợp đồng khoa học & công nghệ (Điều 45. Khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, Luật Khoa học và Công nghệ). Trên cơ sở quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nhu cầu thực tiễn cần có các giải pháp liên kết, hợp tác thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng các thành quả khoa học & công nghệ, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng và các địa phương.
“Trong đó, cần cụ thể hóa các điều khoản quy định của Luật Khoa học và Công nghệ về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên đặt hàng, tổ chức và cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước vào các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ Trung ương đến địa phương và được thể hiện cả trong các hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nhằm ràng buộc các bên liên quan trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, góp phần tăng cường chuyển giao ứng dụng các thành quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế - xã hội”, TS. Phạm Ngọc Minh nêu rõ.
TS. Chu Thị Thủy Chung - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Khoa học & Công nghệ) chia sẻ thông tin tại Hội thảo. |
“Để gắn kết các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia với yêu cầu thực tiễn nhằm phục vụ thiết thực và có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội cần phải gắn kết từ khâu xây dựng chương trình, xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ; tổ chức thực hiện; đến việc kiểm tra, đánh giá định kỳ và tổ chức nghiệm thu, đưa vào ứng dụng”, Giám đốc Văn phòng phía Nam Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.
Với những chia sẻ của các chuyên gia, diễn giả tại Hội thảo, việc đề xuất đặt hàng, xác định các nhiệm vụ khoa học & công nghệ là khâu đầu tiên và rất quan trọng đã được khẳng định. Đồng thời, đặt hàng phải xuất phát từ điều kiện, nhu cầu thực tiễn của từng vùng, địa phương và những vấn đề đặt ra cho khoa học & công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đề xuất xây dựng chương trình và các nhiệm vụ khoa học & công nghệ nhằm phục vụ thiết thực, có hiệu quả cho phát triển bền vững từng vùng và các địa phương.