Hiện nay, các địa phương tại phía Nam đang tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến 31/8, riêng Tp. Hồ Chí Minh thực hiện đến ngày 15/9, do đó các doanh nghiệp đang thay đổi phương án sản xuất để phù hợp hơn với tình hình giãn cách kéo dài.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp việc thực hiện theo phương án mới lại gặp nhiều bất cập cần được tháo gỡ.
• Tp. Hồ Chí Minh đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
• Doanh nghiệp, người lao động cần được tiếp sức để giảm bớt khó khăn giữa đại dịch Covid-19
Tại cuộc họp trực tuyến của “Tổ công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp” của Bộ Công Thương với các tỉnh trọng điểm phía Nam. Ông Trần Anh Hào – Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Để ổn định hoạt động sản xuất an toàn trong tình hình mới, thành phố đã đưa ra 4 phương án sản xuất để doanh nghiệp lựa chọn gồm:
Phương án 1: doanh nghiệp tiếp tục thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất);
Phương án 2: doanh nghiệp tiếp tục thực hiện phương án “1 cung đường 2 địa điểm” hoặc phương án “1 cung đường 2 địa điểm” mở rộng;
Phương án 3 – doanh nghiệp có thể kết hợp cả 2 phương án sản xuất theo mô hình sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm”;
Phương án 4 – doanh nghiệp tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm nhân lực xanh (người lao động xanh), cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh.
Trong đó, người lao động xanh được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa nơi làm việc xanh, nơi ở xanh theo một cung đường xanh nhưng không được dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao trong các khung giờ phù hợp.
Theo các doanh nghiệp, các phương án mà chính quyền các tỉnh, thành phố đưa ra được cho là có sự linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quay trở lại sản xuất. Nhưng doanh nghiệp chưa thể thực hiện do vướng quy định của Chỉ thị 16 “ai ở đâu ở đó”, dẫn tới việc tập kết người lao động từ nơi ở đến công ty gặp nhiều khó khăn.
Theo đại diện của Khu chế xuất – Khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cần có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp biết với trường hợp F0 sau khi khỏi bệnh có được tiếp tục làm việc không và F1 không có triệu chứng sẽ cách ly như thế nào?
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã có đề xuất với Bộ Y tế cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch chủ động sản xuất.
Trong trường hợp có F0, F1, cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp để tách ca nhiễm ra khỏi môi trường làm việc, giúp sớm ổn định và đảm bảo an toàn cho công nhân khác.
Ngoài ra, cần có quy định về tổ chức xét nghiệm gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp để cắt giảm chi phí, thời gian và tránh tập trung đông người. Đặc biệt, cần đưa công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp vào danh sách ưu tiên tiêm vắc xin, nhất là các doanh nghiệp ngành điện tử, dệt may, ô tô, thực phẩm,…
Song Hà