Giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm thông qua xử lý hình ảnh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng giúp các nhà máy nâng cao hơn nữa hiệu quả quản trị và vận hành trên nền tảng công nghệ số, qua đó đảm bảo tối đa mục tiêu năng suất cũng như chất lượng.
Đại diện công ty VODA (Hàn Quốc) trong một buổi tọa đàm trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh tại Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng 5/2022 từng cho biết, thực tế cho thấy, tại nhiều nhà máy sản xuất ở nhiều quốc gia, vai trò của kiểm soát chất lượng sản phẩm (QC) vẫn đang được thực hiện thủ công hoặc bán tự động, trong khi đó ở nhiều công đoạn hay đối với một số chi tiết sản phẩm có kích thước nhỏ hay thậm chí quá khổ thì việc kiểm tra thủ công rõ ràng bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là sự chuẩn xác của việc so trùng chất lượng thành phẩm bằng mắt thường so với bản mẫu gốc.
Do đó, có thể thấy rằng, trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp đã và đang triển khai quản trị và vận hành các nhà máy theo hướng thông minh (smart factory), thì “nhiệm vụ nhận diện, phát hiện các sự cố, thành phẩm không đạt tiêu chuẩn cần phải được tự động hóa, hay nói chính xác là không cần đến vai trò của con người, thay vào đó là phải hướng đến độ chính xác tuyệt đối và khả năng thông minh của học máy, của trí tuệ nhân tạo”.
Chia sẻ thêm về giải pháp VODA IR vốn đang được công ty này cung cấp cho nhiều doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất – láp ráp ô tô, đại diện VODA khẳng định, VODA IR thu thập dữ liệu qua hệ thống camera, lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây (cloud), sau đó tiến hành phân tích và đưa ra kết quả so trùng ở chế độ liên tục, tức nhân sự phụ trách gần như không cần trực tiếp đến hiện trường (nhà máy).
“Cốt lõi của giải pháp chính là công nghệ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI) mà chúng tôi tích hợp”, ông Changyeon Jeon, Trưởng bộ phận kinh doanh giải pháp VODA IR nhấn mạnh, “vả thực tế là, qua triển khai tại nhà máy sản xuất ô tô của hãng Hyundai độ chính xác cũ trong việc nhận diện các bộ phận (cần kiểm tra) từ mức 82,7% đã được tăng lên mức 98,9%”.
Cũng theo đại diện VODA, điểm mạnh trong công nghệ AI của VODA chính là khả năng phân tích hình ảnh, do đó giải pháp hoàn toàn có thể được mở rộng một cách linh hoạt để sử dụng trong việc giải quyết các bài toán về triển khai, vận hành đô thị thông minh (smartcity), nông nghiệp và nông trại thông minh (smartfarm), thay vì chỉ ứng dụng vào mảng sản xuất và nhà máy thông minh.
Chia sẻ về giải pháp AI gắn với quản trị đô thị thông minh, đại diện VODA cho biết, các giải pháp của VODA hoàn toàn có thể tích hợp lồng ghép với các hạ tầng camera giám sát hiện tại của nhiều địa phương, công ty, doanh nghiệp để nhận diện chính xác thông tin về biển số phương tiện, thông tin người điều khiển cũng như chủ phương tiện có liên quan. Do đó, các đơn vị đang quản lý các tòa nhà hay bãi đỗ xe quy mô lớn có thể xem xét để xem đây là một hướng khai thác mới mang tính hiện đại, an toàn và an ninh.
Chưa dừng lại ở đó, giải pháp AI của VODA có thể được ứng dụng vào các nhiệm vụ như phát hiện vật thể là sâu bệnh hại trên rau mùa, cây ăn trái cũng như kiểm soát chất lượng thành phẩm trong mô hình triển khai nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Hồng Linh
Chia sẻ thêm với phóng viên Tự động hóa ngày nay về khả năng “mở rộng” cho các ứng dụng của bên thứ 3 chạy trên nền tảng cloud của VODA, đại diện doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc khẳng định, VODA IR không chỉ có thể chạy tốt trên các nền tảng cloud thông dụng khác như Amazon, mà thậm chí cloud của VODA cũng hỗ trợ ứng dụng, giải pháp của các bên thứ 3 để các doanh nghiệp, nhà máy thuận tiện trong việc sử dụng nhiều công cụ cần thiết để vận hành nhà máy một cách hiệu quả nhất.
trong năm 2022, VODA sẽ trước tiên tìm kiếm đối tác tại Việt Nam để cung cấp các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghệ, quản trị nhà máy sản xuất theo hướng thông minh; và từ năm 2023, khi tìm được đối tác phù hợp VODA sẽ đẩy mạnh thị trường các giải pháp dành cho đô thị thông minh và nông trại thông minh, sản xuất nông nghiệp hiện đại.