Ngày 27/6/2023, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hội thảo: “Net Zero – Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu” với mục tiêu góp phần thúc đẩy tiến trình “chuyển đổi xanh”, đưa nền kinh tế Việt Nam theo hướng “tăng trưởng xanh”, bền vững, thực hiện cam kết về Net-zero phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và hội nhập cùng xu hướng phát triển của thế giới.
Theo các thống kê đến nay, có khoảng 140 quốc gia, tương đương gần 90% tổng lượng phát thải trên toàn cầu, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net-zero – phát thải ròng khí nhà kính bằng 0. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này.
Theo đó tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26, Việt Nam đã đưa ra một loạt cam kết, trong đó có đặt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng không 0 vào năm 2050.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ đô la Mỹ cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực. Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu; trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức và thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực. Hiện nay Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho ngân sách nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.
Đồng thời, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Theo Bộ trưởng Phớc, bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường các-bon là những ưu tiên cần thực hiện: Phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh.
Ông Phớc cũng cho biết, đối với thị trường carbon trong nước, lộ trình phát triển và triển khai đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon vào năm 2028.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách tài chính được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương về phát triển kinh tế xanh, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh. Cụ thể, thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách. Một là, các chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa gây tác hại đến môi trường,… Hai là, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với ba cấu phần gồm: (i) thị trường tín dụng xanh; (ii) thị trường cổ phiếu xanh và (iii) trái phiếu xanh.
Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực. Tổng giá trị mảng xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần so với năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong ba năm liền. Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.
Đỗ Phương