Việt Nam đẩy mạnh giáo dục đại học trực tuyến hiệu quả
|
Chuyển đổi số trong ngành giáo dục cơ bản được kiện toàn ở mức cao
Trong Hội nghị tổng kết nhiệm vụ 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 hồi đầu tháng 02/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT), Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ GDĐT đưa ra báo cáo, năm 2024, triển khai Đề án số 06 của Bộ GDĐT về chuyển đổi số, Bộ GDĐT đã ban hành các bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương (Sở GDĐT, Phòng GDĐT), cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục mầm non. Khung năng lực số cho người học cũng đã được ban hành.
Báo cáo cho biết, về phát triển cơ sở dữ liệu, năm 2024, đã số hóa gần 24,55 triệu hồ sơ giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh ngành Giáo dục về cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (Hệ thống Hemis) và cơ sở dữ liệu giáo dục phổ thông; kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (do Bộ Nội vụ quản lý).
Đồng thời, năm 2024, ngành Giáo dục đã triển khai 2 Dịch vụ công trực tuyến là “Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông” (có 1.029.678 hồ sơ) và “Công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam” (có 9448 hồ sơ) đã được triển khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.
![]() |
'Số hóa' ngành giáo dục là nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia (Ảnh: FPT AI) |
Bên cạnh việc hoàn thành triển khai thí điểm học bạ số các cấp học 1-2-3, 100% cơ sở giáo dục tham gia thí điểm thuộc 63 tỉnh/thành thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu học bạ về cơ sở dữ liệu học bạ số do Bộ GDĐT quản lý.
Tiếp nối thành công triển khai học bạ số, Bộ GDĐT đang triển khai thí điểm văn bằng số, hướng đến việc quản lý, sử dụng văn bằng hoàn toàn trên môi trường mạng.
Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cũng được ưu tiên. Thanh toán không dùng tiền mặt được đưa vào tiêu chí đánh giá tại các Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số; hướng dẫn mô hình tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; 100% thí sinh xét tuyển đại học thực hiện thanh toán lệ phí xét tuyển bằng hình thức không dùng tiền mặt.
Song song với đó, Bộ GDĐT hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; hoàn thiện thể chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
Thúc đẩy chuyển đổi số ngành giáo dục đào tạo phát triển ở một cấp độ cao hơn
Năm 2025, Bộ GDĐT đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ GDĐT, Kế hoạch năm 2025 của Đề án số 06 của Bộ GDĐT. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành Giáo dục, trong lĩnh vực quản lý giáo dục (Ảnh: FPT AI) |
Theo đó, kế hoạch năm 2025 của Bộ GDĐT là đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với 100% các thủ tục hành chính mà Bộ thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ. Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành Giáo dục, trong lĩnh vực quản lý giáo dục và thực hiện các hoạt động chuyên môn của ngành
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh yêu cầu mới cho năm 2025 được đặt ra ở một cấp độ cao hơn, cả về quy mô, tốc độ, chiều sâu, tính quyết liệt trong chuyển đổi số ngành Giáo dục; từ đó yêu cầu cách làm, cách triển khai mới.
Bộ trưởng đưa ra một số lưu ý trong triển khai công việc thời gian tới, nhấn mạnh yêu cầu phải nhìn thấy hết những việc cần làm, cả vĩ mô và vi mô trong chuyển đổi số. Đồng thời, yêu cầu tiến hành hợp nhất các Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06. Khi thành lập Ban Chỉ đạo mới, với cơ cấu mới, việc cần làm ngay là cần đánh giá về tình hình chuyển đổi số của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đồng bộ cơ sở dữ liệu giáo dục dạy nghề để hòa dòng, liên thông với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học.
Việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng AI trong quản lý nhà nước, hoạt động dạy học và kiểm tra, được đánh giá là nhiệm vụ trọng tâm, thách thức lớn trong năm. Theo đó, cần lưu ý rà soát lại tổng thể những việc cần làm, đề ra lộ trình 1 năm, 5 năm để tránh không sót việc, không mâu thuẫn, không chồng chéo,… Vấn đề tài chính, nhân lực để thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục cũng được Bộ trưởng đặc biệt quan tâm.
Coi trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực đào tạo đại học, cao đẳng
Liên quan đến chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, trước đó, vào đầu tháng 12/2024, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo chủ đề “Giáo dục đại học với công nghệ số” tại Đại học Kinh tế Quốc dân, mục đích đánh giá thực trạng, kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai chuyển đổi số giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ số, cũng như định hướng và thảo luận các giải pháp cho giai đoạn 2025-2030.
![]() |
Đào tạo trực tuyến hệ đại học đang rất phát triển ở Việt Nam. Học viên có thể học ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời gian nào sắp xếp trong ngày (Ảnh minh họa, nguồn FPT AI) |
Bốn nội dung chính được đưa ra thảo luận gồm: Quản lý, quản trị cơ sở giáo dục đại học dựa trên dữ liệu và công nghệ số; triển khai mô hình giáo dục đại học số; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ số; phát triển năng lực số cho người học (bao gồm năng lực trí tuệ nhân tạo).
Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT), thời gian qua, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Bộ GDĐT nói riêng và ngành GDĐT nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành và kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đối với giáo dục đại học, vừa qua Bộ GDĐT đã ban hành mới nhiều văn bản nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, như: Thông tư số 30/2023/TT-BGDĐT về đào tạo trực tuyến, Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT về đào tạo từ xa, Thông tư 42/2021/TT-BGDĐT về cơ sở dữ liệu GDĐT, Quyết định 4740/QĐ-BGDĐT ngày 6/12/2022 ban hành bộ chỉ số chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học…
Từ năm 2022, Bộ GDĐT đã xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), trong đó tổng hợp thông tin dữ liệu từ tất cả các đại học, trường đại học, học viện trên cả nước gồm các nhóm dữ liệu về đội ngũ, người học, chương trình đào tạo, ngành đào tạo, cơ sở vật chất, tài chính tài sản…
Đến nay, đã số hóa được dữ liệu khoảng 470 cơ sở giáo dục đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học; Kết nối, đồng bộ dữ liệu về sinh viên ra trường, chia sẻ dữ liệu việc làm của khoảng 97.000 sinh viên tốt nghiệp; Đã báo cáo khoảng 18.000 hồ sơ viên chức các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ GDĐT lên cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở vật chất.
Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học được sử dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và công tác báo cáo, thống kê về giáo dục đại học, được sử dụng thống nhất trong toàn ngành, đảm bảo tính tổng thể đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu công khai của các đại học, học viện, trường đại học.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, theo hình thức trực tuyến.
Hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo được vận hành trên mạng Internet tại địa chỉ truy cập https://hemis.moet.gov.vn (đối với giáo dục đại học và đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng).
Cùng với hệ thống cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo là một công cụ hữu ích, tăng năng suất lên vài chục lần, Thứ trưởng yêu cầu mỗi cán bộ cần biết cách sử dụng hợp lý, khai thác tối đa tiềm năng của AI và cần hành động ngay, thúc đẩy hiệu quả công việc trong thời gian tới.