Sau 9 tháng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại phần lớn ngân hàng đều sụt giảm
Năm 2024, tình hình nợ xấu ngành ngân hàng Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng so với năm trước. Dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các ngân hàng và cơ quan quản lý, nhưng các yếu tố ảnh hưởng của thiên tai, diễn biến thị trường dẫn đến một số ngành kinh tế gặp khó khăn và tiếp tục gây áp lực lên chất lượng tín dụng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,55%, tăng 8,6% so với đầu năm. Trong khi đó, báo cáo của Công ty chứng khoán VPBank cho biết, nếu bóc tách nợ xấu của 5 tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng niêm yết đang ở mức 2,23%, đi ngang so với quý trước và tăng 0,29% so với đầu năm.
Quay trở lại thời điểm kết thúc 9 tháng đầu năm, tổng hợp từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy, tính đến cuối quý III/2024, số dư nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng gần 28% so với đầu năm, lên mức 259.186 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu mức 2,3%. Trong đó, có 25/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm.
Cụ thể, tính đến 30/9/2024, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu danh sách ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, ở mức 1,22% nhưng đã tăng 0,24 điểm % so với đầu năm. Techcombank duy trì vị trí thứ hai, với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,29%, tăng 0,13 điểm %. Bac A Bank đứng vị trí thứ ba với tỷ lệ nợ xấu 1,33%, tăng 0,41 điểm %. Chỉ có 4 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm là SeABank, MSB, SHB và PGBank.
Đáng chú ý, sau 9 tháng đầu năm 2024, phần lớn ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đều ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) sụt giảm so với thời điểm đầu năm.
Theo đó, tính đến cuối quý III/2024, 4 ngân hàng duy trì được tỷ lệ bao phủ trên ngưỡng 100% là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank. Ngân hàng MB đã rời nhóm này khi ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 117% từ đầu năm xuống còn 68,8% cuối quý III. Trước đó, trong quý II, MB từng ghi nhận tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu 101,7%.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đạt 204,6%, tuy nhiên đã giảm thêm 25,7 điểm % so với đầu năm. Năm 2022, tỷ lệ bao phủ của Vietcombank từng ở trên mốc 300%. Mặc dù vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank vẫn đang gấp 2,5 lần trung bình ngành.
VietinBank và BIDV lần lượt xếp vị trí thứ hai và ba với tỷ lệ bao phủ đạt 153% và 115,7%, giảm 14,2 điểm % và 65,2 điểm % so với cuối năm 2023. Có thể thấy, BIDV là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm sâu nhất, từ 180,9% xuống còn 115,7%, nguyên nhân do số dư nợ xấu của ngân hàng đã tăng hơn 49% trong 9 tháng đầu năm.
Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại một số ngân hàng gồm ACB, LPBank, TPBank đều sụt giảm so với đầu năm.
Ở chiều ngược lại, tính đến cuối quý III/2024, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại một số ngân hàng cải thiện so với đầu năm. Đơn cử, Sacombank tăng từ 68,8% lên 75%; KienLongBank từ 62% lên 72,5%; MSB tăng 55% lên 62,9%; PVcombank tăng từ 50,5% lên 54%;...
Các ngân hàng trích lập dự phòng ra sao khi Thông tư 02 sắp hết hạn?
Thông tư 02 được gia hạn đến cuối năm 2024, cho phép các doanh nghiệp tái cơ cấu khoản vay mà không làm tăng ngay lập tức tỷ lệ nợ xấu nội bảng. Tuy nhiên, khi chính sách này kết thúc, áp lực lớn sẽ đổ dồn lên các ngân hàng trong việc kiểm soát nợ xấu và đảm bảo an toàn vốn.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) là công cụ quan trọng để đánh giá mức độ phòng thủ của ngân hàng trước rủi ro tín dụng. Trong bối cảnh Thông tư 02 sắp hết hiệu lực vào cuối năm 2024, các khoản nợ chưa trả đúng hạn sẽ tạo áp lực đáng kể lên hệ thống tài chính.
Thực tế, tính đến cuối quý III/2024, số dư nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đang có xu hướng tăng trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng lại duy trì đà giảm, đặc biệt là các ngân hàng lớn. Điều này đồng nghĩa với việc đa phần các ngân hàng đang dự phòng ít hơn rủi ro nợ xấu có thể xảy ra.
Dù Thông tư 02 cho gia hạn nợ xấu, tức là không ghi nhận một số khoản nợ xấu phát sinh, nhưng những khoản nợ xấu tiềm tàng đó vẫn được trích lập dự phòng theo quy định. Có nghĩa là các khoản trích lập cho các khoản nợ khác của ngân hàng phải đang giảm rất nhiều so với các kỳ trước, kết hợp với mức nợ xấu vẫn phải trích lập theo Thông tư 02 ở mức thấp, mới khiến cho tỷ lệ bao phủ của các ngân hàng giảm liên tục như vậy.
Các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank và BIDV luôn duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%, giúp tăng khả năng chống chịu trước rủi ro tín dụng. Ngược lại, các ngân hàng bán lẻ, bán buôn và các ngân hàng khác như: MBBank, ACB,…lại gặp khó khăn trong việc tăng trích lập dự phòng, khiến ảnh hưởng đến lợi nhuận trong ngắn hạn, áp lực thanh khoản và giảm khả năng đối phó với các rủi ro tiềm ẩn khi Thông tư 02 hết hiệu lực.
Động thái không gia hạn từ NHNN cũng có thể là một tín hiệu tích cực về việc hệ thống ngân hàng đã kiểm soát tốt nợ xấu, các ngân hàng đã tích lũy đủ nguồn lực, bao gồm dự phòng nợ xấu và cải thiện chất lượng tài sản, để sẵn sàng đối mặt với những thách thức khi chính sách hỗ trợ không còn.