Thời điểm cuối năm 2024, nhiều ngân hàng cấp tập lên lịch phát hành cổ phiếu trả cổ tức nhằm mục đích tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các quy định an toàn vốn và mở rộng quy mô hoạt động.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã: MBB) thông báo chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, ngày giao dịch không hưởng quyền là 07/01/2025.
Nguồn phát hành được lấy từ lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối năm 2023 của ngân hàng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua.
Theo đó, ngân hàng MB sẽ phát hành gần 796 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 15%. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của MB sẽ tăng từ 53.063 tỷ đồng lên 61.022 tỷ đồng.
Trước đó, MB đã phát hành xong toàn bộ 19,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tăng thêm 192,4 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên 53.063 tỷ đồng.
Ngoài ra, MB cũng lên kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ của ngân hàng MB sau khi hoàn thành tất cả phương án tăng vốn trên sẽ là 61.643 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank – mã: LPB) thông báo ngày 30/12 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Theo kế hoạch, LPBank sẽ phát hành 429,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ thực hiện quyền là 16,8%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 4.297 tỷ đồng.
LPBank cho biết nguồn vốn phát hành là từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2023 trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của LPBank. Nếu hoàn thành phương án trên, mức vốn điều lệ tại LPBank sẽ tăng từ 25.576 tỷ đồng lên 29.873 tỷ đồng.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ lên 33.576 tỷ đồng thông qua việc chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Tuy nhiên căn cứ tình hình thị trường và định hướng phát triển của LPBank, đảm bảo lợi ích của cổ đông và của LPBank, HĐQT quyết định điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 16,8%, nâng vốn điều lệ lên 29.873 tỷ đồng và đã được cổ đông thông qua tại buổi họp bất thuờng giữa tháng 11.
Trường hợp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) cũng phát hành gần 1,2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 21% và ngày 24/12 vừa qua là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành (người sở hữu 100 cp được nhận 21 cp mới).
Nguồn phát hành là lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022.
Theo kế hoạch, BIDV sẽ phát hành hơn 1.197 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, thời gian phân bổ cổ phiếu mới từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm tối đa 11.981 tỷ đồng, từ 57.004 tỷ đồng lên 68.975 tỷ đồng.
Số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, phân bổ vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV như hoạt động tín dụng, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của mạng lưới kinh doanh.
Trong năm 2024, BIDV chưa thực hiện đợt chi trả cổ tức nào. Lần chia cổ tức gần nhất của BIDV diễn ra vào tháng 12/2023.
Còn tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank – mã: HDB), HĐQT HDBank đã có nghị quyết về việc triển khai chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 30%, bao gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Sau khi trả cổ tức tiền mặt 10% vào tháng 7, HDBank đang triển khai kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới) dự kiến vào khoảng quý II, quý III/2024. Các thủ tục liên quan đến việc tăng vốn dự kiến thực hiện quý IV/2024.
Tuy nhiên, đầu tháng 11/2024, ngân hàng thông báo điều chỉnh và dự kiến thực hiện việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sang quý IV/2024 sau khi được sự chấp nhuận của Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Các thủ tục tiếp theo liên quan đến việc tăng vốn dự kiến thực hiện trong quý I/2025 (sau khi hoàn thành việc chia cổ tức).
Với tổng tỷ lệ cổ tức lên đến 30%, HDBank là ngân hàng chia cổ tức cao thứ hai trong năm 2024, chỉ sau Techcombank - ngân hàng chưa chia cổ tức sau 10 năm.
Ngày 24/12 vừa qua, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank - Mã: BAB) cũng đã được Ngân hàng nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 1.579 tỷ đồng.
Trong đó, ngân hàng tăng vốn điều lệ tối đa thêm 621 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối đến 31/12/2023 và tăng vốn tối đa thêm 958 tỷ đồng thông qua chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo phương án đã được thông qua trước đó.
Theo kế hoạch, Bac A Bank dự kiến sẽ phát hành 62,1 triệu cổ phiếu phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cp, để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 6,93%. Thời gian dự kiến triển khai sẽ được thực hiện trong năm 2024 và năm 2025, sau khi có chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước.
Nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối luỹ kế của ngân hàng năm 2023 sau khi đã trích lập các quỹ theo luật định. Nếu phát hành thành công, mức vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng thêm gần 621 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng dự kiến sẽ phát hành thêm gần 96 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán 10.000/cp với tỷ lệ dự kiến 10% trên tổng số cố phiếu đang lưu hành (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 10 cổ phiếu mới).
Đợt chào bán này dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2025 sau khi kết thúc đợt tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức năm 2024 (62,1 triệu cổ phiếu). Cổ phiếu phát hành sau khi chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Sau phát hành, vốn điều lệ Bac A Bank sẽ tăng thêm 1.579 tỷ đồng, từ 8.959 tỷ đồng lên 10.538 tỷ đồng. Số vốn được tăng thêm sẽ được sử dụng để cho vay khách hàng (1.120 tỷ đồng), đầu tư kinh doanh giấy tờ có giá (458 tỷ đồng).
Trước đó, một nhà băng quy mô nhỏ như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã: VBB) cũng đã chốt trả cổ tức 25% bằng cổ phiếu và ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu là ngày 29/11.
Cụ thể, ngân hàng phát hành thêm 142,8 triệu cổ phiếu, giúp vốn điều lệ VietBank tăng thêm 1.428 tỷ đồng, từ mức 5.711 tỷ đồng lên 7.139 tỷ đồng. Phần vốn tăng thêm được sử dụng để đầu tư tài sản, bổ sung nguồn vốn phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn và nâng cao hiệu quả kinh doanh.