TGĐ Ngân hàng ACB Từ Tiến Phát:
"Cần mạnh dạn, tin tưởng giao việc khó cho thành phần kinh tế tư nhân" Toàn văn Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân Doanh nhân Việt hun đúc niềm tin và khát vọng vào Nghị quyết số 68 |
Khu vực kinh tế tư nhân, với hơn 940.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh, hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước và sử dụng 82% lực lượng lao động. Từ những tiểu thương cung cấp hàng hóa thiết yếu đến các tập đoàn đưa thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế, kinh tế tư nhân đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đối mặt với nhiều rào cản, từ chi phí, thủ tục hành chính, đến khả năng tiếp cận thị trường và chuyển đổi xanh, khiến tiềm năng phát triển chưa được khơi thông triệt để.
Ngày 04/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết xác định kinh tế tư nhân là “lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng” và đưa ra các chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ở mọi quy mô, từ các “đàn sếu đầu đàn” – những tập đoàn tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu đến các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
![]() |
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB |
Ông Từ Tiến Phát bày tỏ sự ấn tượng với tính thực tiễn của Nghị quyết: Một Nghị quyết của Đảng mà đi sát vào thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp như thế này là điều rất tuyệt vời. Chúng tôi cảm thấy được truyền cảm hứng, hạnh phúc, nhưng cũng có phần ngạc nhiên.
Theo ông, Nghị quyết đã chạm đến bốn mối quan tâm cốt lõi của doanh nghiệp: chi phí, thủ tục, thị trường, và chuyển đổi xanh.
Các chính sách thiết thực cho doanh nghiệp
Nghị quyết 68 đưa ra hàng loạt giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước hết, chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được ông Phát đánh giá là “tuyệt vời”. Ông nhấn mạnh rằng giai đoạn đầu là thời điểm sống còn của doanh nghiệp, đặc biệt với các start-up. “Hơn 50% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không tồn tại được sau 1-2 năm. Miễn thuế 3 năm đầu là cách nuôi dưỡng để họ sinh tồn và phát triển,” ông chia sẻ.
Bên cạnh đó, Nghị quyết đề xuất cho phép doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê đất công, nhà công với chi phí hợp lý, đồng thời hoàn thiện các quỹ bảo lãnh tín dụng và ưu tiên một phần tín dụng thương mại cho khu vực này. Tuy nhiên, ông Phát lưu ý rằng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài sản thế chấp, định giá tài sản và minh bạch thuế. Ông kỳ vọng các cơ chế bảo lãnh cần được thiết kế phù hợp hơn, không chỉ giới hạn ở vay vốn mà mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Một điểm nhấn đột phá của Nghị quyết là khuyến khích phát triển các doanh nghiệp lớn gắn với chuỗi cung ứng, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước cùng phát triển. Ông Phát nhận định đây là chính sách mang tính chiến lược, giúp xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh bền vững và cạnh tranh.
Cuối cùng, Nghị quyết lần đầu tiên nhấn mạnh chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ông Phát đánh giá cao sự đổi mới này và mong muốn sớm có các hướng dẫn cụ thể, cùng các khung tín dụng xanh để doanh nghiệp triển khai hiệu quả.
![]() |
Giải pháp đưa chính sách vào thực tiễn
Để Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống, ông Từ Tiến Phát đề xuất ba giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, cần đẩy mạnh số hóa và cắt giảm thủ tục hành chính. Dù cơ chế “xin – cho” đã giảm, rủi ro từ yếu tố con người vẫn tồn tại. Ông Phát nhấn mạnh rằng chỉ khi số hóa và tự động hóa triệt để, các thủ tục rườm rà mới được loại bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ hai, cần đảm bảo tính đồng bộ trong thực thi chính sách giữa các địa phương. Doanh nghiệp thường hoạt động ở nhiều tỉnh thành, nhưng sự khác biệt trong cách áp dụng luật giữa các nơi đang gây ra không ít khó khăn. “Chúng tôi mong có sự thống nhất toàn quốc trong thực thi quy định để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh,” ông Phát nhấn mạnh.
Thứ ba, cần cải cách các quy định liên quan đến hậu kiểm và quản lý thuế. Những vấn đề như thanh tra, kiểm tra thuế đang khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ ngần ngại mở rộng quy mô hoặc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Ông Phát đề xuất sửa đổi các quy định còn vướng mắc để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Với tinh thần đổi mới và khát vọng vươn xa, Nghị quyết 68 không chỉ là kim chỉ nam mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân. Ông Từ Tiến Phát khẳng định: Chúng tôi rất kỳ vọng Nghị quyết này sẽ được hiện thực hóa, mở ra kỷ nguyên sáng tạo, hội nhập và thịnh vượng cho Việt Nam, trong đó kinh tế tư nhân là động lực tiên phong. Những chính sách thiết thực và tầm nhìn chiến lược của Nghị quyết hứa hẹn sẽ tạo nên một bước ngoặt, đưa kinh tế tư nhân Việt Nam bứt phá trên hành trình phát triển bền vững.