Vai trò của AI trong sản xuất tinh gọn Trí tuệ nhân tạo xanh giảm thiểu tác động của AI tới môi trường |
![]() |
Ảnh minh họa |
Mỹ
Vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã bãi bỏ sắc lệnh hành pháp toàn diện về trí tuệ nhân tạo (AI) mà cựu Tổng thống Joe Biden ban hành vào tháng 10/2023. Lệnh này chủ yếu mang tính tự nguyện, yêu cầu các nhà phát triển AI lớn như OpenAI sẽ phải công bố kết quả đánh giá, kiểm tra độ an toàn các chương trình của họ với chính phủ liên bang trước khi phát hành rộng rãi đến người dùng.
Với sự hậu thuẫn của các tập đoàn công nghệ lớn, lệnh hành pháp trước đây nhằm bảo vệ quyền riêng tư và ngăn chặn vi phạm dân sự cũng như đảm bảo an ninh quốc gia. Mặc dù hiện nay Mỹ là nơi tập trung các nhà phát triển hàng đầu, song quốc gia này lại không có quy định chính thức nào về AI - mặc dù một số quy định về bảo vệ quyền riêng tư vẫn có hiệu lực.
Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc vẫn đang xây dựng một đạo luật chính thức về AI. Trước đó, nước này đã công bố một số biện pháp tạm thời để quản lý các dịch vụ AI đang bùng nổ với những yêu cầu cơ bản, đó là: AI phải tôn trọng quyền lợi cá nhân và doanh nghiệp, không được sử dụng thông tin cá nhân khi chưa được sự đồng ý, ghi chú rõ ràng với các hình ảnh và video do AI tạo ra, đồng thời bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của người dùng.
Ngoài ra, AI tại Trung Quốc cũng phải “tuân thủ các giá trị chủ nghĩa xã hội cốt lõi”, thể hiện rõ chính sách kiểm soát thông tin của nước này.
Liên minh châu Âu (EU)
![]() |
Ảnh minh họa |
Khác với Mỹ và Trung Quốc, triết lý tôn trọng công dân là trung tâm của quy định ở châu Âu.
Đạo luật AI (AI Act) được thông qua vào tháng 3/2024 nhằm bảo vệ công dân khỏi những rủi ro có thể xảy ra khi công nghệ phát triển “chóng mặt”, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới tại châu lục. Đây được xem là quy định toàn diện nhất hiện nay trên thế giới với một số lệnh cấm như cấm sử dụng AI nhận dạng cảm xúc trong trường học và nơi làm việc…
Các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh, những quy định rõ ràng và toàn diện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và khuyến khích lưu thông dữ liệu tự do, mang lại lợi ích cho cả người sáng tạo và người tiêu dùng.
Ấn Độ
Cũng giống như Trung Quốc, Ấn Độ - nước đồng chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Trí tuệ nhân tạo vào tuần tới - có luật về dữ liệu cá nhân nhưng chưa có văn bản cụ thể nào quy định về quản lý AI. Những trường hợp gây hại bắt nguồn từ AI tạo ra thường được giải quyết bằng luật hiện hành về tội phỉ báng, quyền riêng tư, vi phạm bản quyền và tội phạm mạng.
Chính phủ Ấn Độ hiểu được giá trị của ngành công nghệ cao, song các báo cáo truyền thông và thông báo của chính phủ về quy định quản lý AI vẫn còn rời rạc, chưa được chuyển thành hành động cụ thể. Những quy định được cập nhật vội chỉ yêu cầu ghi chú khi nội dung được tạo ra bởi AI.
Tháng 5/2024, Hội đồng Châu Âu đã thông qua hiệp ước toàn cầu đầu tiên mang tính ràng buộc về mặt pháp lý liên quan các quy định quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, với sự tham gia của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU). Trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, chỉ có 7 thành viên tham gia vào 7 sáng kiến quản trị AI, trong khi 119 thành viên (chủ yếu là các quốc gia ở phía Nam bán cầu) hoàn toàn không tham gia bất kỳ sáng kiến nào. |
(Theo TechXplore)