Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 (Techdemo – Techmart – Growtech – Startup – Job Fair) diễn ra từ ngày 30/10 – 01/11/2020, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trong khuôn khổ hoạt động này, ngày 30/10/2020, Cục Phát triển thị trường & doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ – Viện Nghiên cứu rau quả – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Kết nối chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa của Việt Nam”.
Hiện nay, tại Việt Nam, một số doanh nghiệp, địa phương đã đưa nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Đó là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, cơ giới hóa và tự động hóa phù hợp với thế mạnh của từng địa phương vào sản xuất hoa đã cho hiệu quả cao, tăng thu nhập và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Theo số liệu điều tra của Viện nghiên cứu rau quả, hiện cả nước có gần 45 nghìn ha hoa, cây cảnh, thu nhập bình quân khoảng 350 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản lượng ước tính đạt 15.000 tỷ đồng/năm, trong đó xuất khẩu xấp xỉ 80 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, chỉ tính nhu cầu trong nước 5 năm gần đây, bình quân nhu cầu hoa, cây cảnh tăng 15%/năm là tiền đề cho phát triển hoa, cây cảnh một cách bài bản và thành hàng hóa lớn.
TS. Nguyễn Văn Tỉnh – Viện Nghiên cứu rau quả cho biết: So với năm 2000, diện tích hoa, cây cảnh năm 2019 đã tăng 6,6 lần, giá trị sản lượng tăng 17,2 lần. Mức tăng giá trị thu nhập/ha là 2,2 lần (đã có nhiều mô hình đạt 1,3 tỷ đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm). Tốc độ tăng trưởng rất cao so với các ngành nông nghiệp khác. Tại Viện Nghiên cứu rau quả, kết quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất từ 2005 – 2019 đã chuyển giao cho 45 tỉnh, thành phố bao gồm hơn 1000 tổ chức cá nhân.
Mặt khác, sự đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoa, cây cảnh là cơ hội rất tốt cho các nhà khoa học có điều kiện triển khai và áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất nhưng cũng đòi hỏi một cách khắt khe chất lượng nghiên cứu. Bởi không có giống tốt, quy trình phù hợp thì sự đầu tư của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ thất bại.
Mặc dù hiện nay, diện tích sản lượng và thu nhập từ hoa, cây cảnh đều tăng, nhưng thực tiễn vẫn có những hạn chế nhất định về đội ngũ khoa học công nghệ như: Trình độ khoa học công nghệ ngành hoa, cây cảnh trong nước còn lạc hậu so với thế giới và các nước trong khu vực; số cán bộ khoa học đầu đàn còn rất ít, chủ yếu là cán bộ khoa học trẻ, chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có nhiều kinh nghiệm; ngoài đa số các nhà khoa học lặn lội với thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu với sản xuất, vẫn còn một số nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật chưa thật sự gắn nghiên cứu với ứng dụng sản xuất, nhiều kết quả nghiên cứu của các đề tài chưa được ứng dụng rộng rãi và chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất; chưa thực sự gắn kết được bốn nhà: nhà quản lý – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – người dân trong việc đầu tư sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh,…
Từ những thực trạng trên, ngành sản xuất hoa, cây cảnh đã đưa ra mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của công tác nghiên cứu hoa, cây cảnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030: Tăng cường hơn nữa đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hoa, cây cảnh; ưu tiên cho việc ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn, tạo giống, nhân giống các giống hoa quý hiếm; tập trung nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật và sản xuất, thương mại các chủng loại hoa, cây cảnh theo quy mô công nghiệp; đưa nghề sản xuất hoa, cây cảnh trở thành một ngành nghề mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Hiệu quả ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhìn từ thực tiễn
Tại hội thảo, các doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cũng đưa ra bức tranh toàn cảnh về khả năng ứng dụng có hiệu quả khi công nghệ cao được áp dụng vào quá trình sản xuất của người dân. KS. Phạm Hữu Việt – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ & Thương mại Quốc tế Appa Group chia sẻ: Quý 2 năm 2020, với sự hỗ trợ tài chính từ dự án Great (Australia), Appa Group đã hợp tác cùng Viện nghiên cứu rau quả Trung ương để triển khai hàng chục gói giải pháp nông nghiệp thông minh Appa Smart Farm (APPA-VRHQ) cho các hợp tác xã trồng rau, hoa tại Mộc Châu.
Hệ thống cài đặt bộ cảm biến, liên tục lắng nghe điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng theo thời gian thực và gửi dữ liệu về Bộ xử lý trung tâm. Tại đây, Bộ xử lý trung tâm nhận dữ liệu và chuyển tiếp lên Sever, ứng dụng di động liên tục cập nhật thông tin từ Server để hiển thị cho người dùng. Sau đó thông tin sẽ chuyển tới Bộ điều khiển và thực hiện điều khiển máy bơm. Hệ thống Server thực hiện phân tích và tính toán thông tin để biết được thời điểm cần tưới và lượng nước cần tưới cho từng loại cây trồng. Hoặc người dùng sử dụng chế độ Manual trên ứng dụng để thực hiện điều khiển.
Sau 4 tháng triển khai đã cho thấy hiệu quả cao được bà con nông dân ủng hộ, khả năng nhân rộng rất tốt. Người nông dân có thể quản lý trang trại của mình thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh sẽ tiết kiệm được tài nguyên thông qua việc tưới tiêu chính xác (từ 10% đến 40%); tiết kiệm chi phí phân công quản lý (từ 20 đến 40%); tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, thu nhập (từ 20 đến 50%); hạn chế rủi ro; quản lý dữ liệu chuyên nghiệp có thể lưu trữ và truy xuất dữ liệu quá trình sản xuất.
Nhằm thúc đẩy phát triển ngành sản xuất hoa tăng nhanh tỷ trọng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, giai đoạn 2018 đến 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hoa lan hồ điệp và cây hoa đồng tiền quanh năm tại huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng” cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Châu Giang.
Sau 2 năm thực hiện, ông Đào Quang Trịnh – Giám đốc Công ty cho biết đã chuyển giao và tiếp nhận được 6 quy trình công nghệ về sản xuất điều khiển nở hoa cho cây hoa đồng tiền và hoa lan hồ điệp phù hợp với điều kiện sinh thái của huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng. Đã xây dựng thành công mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp quy mô công nghiệp với diện tích 6000 mét vuông trong nhà lưới hiện đại.
Đã ứng dụng mô hình công nghệ 4.0 (IoT) trong sản xuất hoa, sau một năm thực hiện, ông Nguyễn Văn Quý – Giám đốc hợp tác xã hoa Mộc Châu cho biết: Mô hình IoT mang lại hiệu quả cao, giúp giảm chi phí sản xuất (điện, nước, công lao động,…), công nghệ IoT giúp tiết kiệm được 5 – 20% chi phí sản xuất, năng suất tăng từ 5 – 10%. Hơn nữa, công nghệ này còn mang lại thuận lợi trong việc quản lý chăm sóc và quảng bá giới thiệu sản phẩm hoa cho các đối tác.
Từ những hiệu quả mang lại khi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, cây cảnh, doanh nghiệp và nhà khoa học kiến nghị cần thực hiện các hoạt động chính trong giời gian tới: Một là, hoàn thiện chu trình khép kín từ nghiên cứu đến sản xuất thị trường tiêu thụ với lĩnh vực hoa, cây cảnh. Hai là, tăng cường công tác nghiên cứu gắn với sản xuất, các sản phẩm nghiên cứu phải được thử nghiệm và đánh giá thông qua sản xuất. Đồng thời, các cơ quan khoa học phải chịu trách nhiệm trước các doanh nghiệp, nhà đầu tư về giống hoa, công nghệ và quy trình do mình tạo ra và chuyển giao.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết các hợp đồng chuyển giao công nghệ: hợp đồng cung cấp gói phần mềm quản lý sản xuất hoa; Hợp đồng hợp tác xây dựng chương trình phần mềm bác sĩ cho cây hoa; Hợp đồng cung cấp gói tín dụng hỗ trợ dự án sản xuất thử nghiệm hoa giữa các cơ quan khoa học các doanh nghiệp và đại diện ngân hàng.
Thu Trang