Ngày 30/10/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa cho nông nghiệp công nghệ cao”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện “Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020” (Techdemo – Techmart – Growtech – Startup – Job fair) diễn ra từ ngày 30/10 đến ngày 2/11 do Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đồng tổ chức.
Hiện nay, khi khoa học công nghệ ngày càng bùng nổ, quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản ngày càng cao, diện tích càng ngày càng bị thu hẹp do biến đổi khí hậu, đô thị hóa,… thì việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu, giải pháp then chốt.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất như: Công nghiệp hóa nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học.
Ông Vũ Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục thông tin Khoa học & Công nghệ cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành nông nghiệp không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với các nhà khoa học mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức, hội nông dân,… tiếp cận những công nghệ hiện đại trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thái Học – Khoa cơ điện – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trình bày một số ứng dụng tự động hóa trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe vật nuôi tự động; theo dõi chăm sóc cây trồng; nuôi trồng thủy sản. Theo ông Học, Tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp là một ngành công nghệ hoạt động dựa trên việc ứng dụng các kỹ thuật cơ khí hiện đại, điều khiển tự động và các phần mềm chuyên dụng để vận hành, điều khiển tự động trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Để phát triển nông nghiệp CNC cần thực hiện một số nhiệm vụ như: Chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; Phòng, trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; Trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả; Tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị hiện đại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp; Phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.
Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hồng – Khoa Công nghệ thông tin – Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày một số hướng tiếp cận AI trong nông nghiệp CNC. Bà Hồng cho biết, vào năm 2050 nền nông nghiệp cần tăng năng suất từ 60 – 110% để đáp ứng nhu cầu lương thực trong diện tích đất nông nghiệp. Nền nông nghiệp đang phải đối diện với nhiều thách thức như: nâng cao năng suẩt, biến đổi khí hậu, sâu bệnh, hệ thống tưới tiêu,… thực tế này đòi hỏi phải canh tác thông minh để nâng cao năng suất, giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu. Và robot nông nghiệp là một trong những sản phẩm cần thiết cho một nền nông nghiệp hiện đại.
Robot nông nghiệp tự động là một sản phẩm được thiết kế để xử lý các công việc thiết yếu như thu hoạch cây trồng với khối lượng lớn hơn, tốc độ nhanh hơn so với lao động của con người.
Cụ thể, robot nông nghiệp là robot được sử dụng cho mục đích nông nghiệp có thể cải thiện cho quy trình nông nghiệp. Việc sử dụng robot nông nghiệp nhằm áp dụng tự động hóa vào nông nghiệp tạo ra những tiến bộ trong ngành nông nghiệp đồng thời giúp nông dân tiết kiệm tiền và thời gian. Robot sử dụng trong các hệ thống sinh học như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Robot thay thế các kỹ thuật thông thường làm cho nhiều công việc đơn giản hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Theo bà Hồng, việc sử dụng robot trong nông nghiệp sẽ giúp tốc độ nhanh, có thể làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, làm các công việc lặp đi lặp lại, tốc độ làm việc chính xác.
Các robot nông nghiệp được thiết kế đa dạng, phù hợp với mục đích sử dụng, để thay các công việc đòi hỏi nhiều sức lao động con người bao gồm: robot ứng dụng trong chăn nuôi (robot gia súc) như vắt sữa tự động, cắt lông cừu, dọn rửa chuồng,…; robot sử dụng trong trồng trọt như làm đất (cày bừa), gieo hạt, bón phân, làm cỏ, thu hoạch, cắt tỉa, theo dõi sinh trưởng và thu hoạch cây trái,…
Tại Việt Nam, đề án hệ tri thức Việt số hóa sẽ xây dựng các nguồn dữ liệu lớn để phát triển ứng dụng AI trong nông nghiệp, giao thông, y học; Ứng dụng Big Data và AI trong nông nghiệp là thu thập, phát triển các mô hình AI so sánh tác động của hệ thống tưới, kiểm soát phân bón, các loại đất đối với năng suất cây trồng. Mặc dù nhu cầu ứng dụng AI trong nông nghiệp là rất lớn nhưng theo bà Hồng, Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn khi áp dụng. Đó là thiếu hụt nhân lực AI, cơ sở dữ liệu còn thiếu cũng như chưa đáp ứng yêu cầu một số lượng lớn dữ liệu để huấn luyện thuật toán AI; chưa có chính sách thống nhất; diện tích canh tác manh mún, ảnh hưởng thời tiết khí hậu,…
Hương Duyên