Ngày thứ 2 của Hội nghị thượng đỉnh Blockchain (Vietnam Blockchain Summit 2022) có nhiều chủ đề bàn về Web3. Web3 là nền tảng đang được kỳ vọng mang lại nhiều giá trị trong nền kinh tế số. Nhưng để sớm gặt hái được thành quả đó còn nhiều việc phải làm.
• Hội nghị thượng đỉnh Blockchain là sự kiện quan trọng để giới trẻ hướng đến thế giới mới
Web 3 hay còn gọi là Semantic Web là thế hệ thứ 3 của nền tảng công nghệ Internet nhằm tạo ra các trang web và các ứng dụng web thông minh nhờ vào các công nghệ như máy học (Machine Learning), Dữ liệu lớn (big data), công nghệ chuỗi khối (Blockchain),…
Một trong những đặc điểm nổi bật của Web3 chính là không có trung gian (phi tập trung), nghĩa là các giao dịch và dữ liệu được trao đổi trực tiếp; ngăn chặn vi phạm dữ liệu; bảo mật và tin cậy nhờ vào công nghệ blockchain. Dữ liệu trên Web3 sẽ tồn tại mãi mãi cho đến khi nào Internet còn hoạt động.
Tiền điện tử là một trong những ứng dụng nổi bật hiện nay của Web3. Các chuyên gia dự đoán Web3 còn mở ra nhiều ứng dụng ngành nghề khác chưa từng có.
Tại Tọa đàm phá bỏ rào cản đối với nền kinh tế sáng tạo Web3 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Blockchain 2022, bà Sarah ‘BUX’ Buxton – Giám đốc điều hành Gala nhận định: “Web3 là chủ đề mang lại nguồn cảm hứng lớn cho giới công nghệ, sẽ có nhiều đổi mới sáng tạo, không có giới hạn từ Web3”. Bà Sarah ‘BUX’ Buxton cũng cho rằng vấn đề là chúng ta cần quan tâm đến mức độ cân bằng giữa thế giới thực và ảo và làm quen với nó. Khoảng 10 năm tới Metaverse là hiện hữu.
Còn trong Tọa đàm Tạo giá trị trong Metaverse và Web3, ông Trịnh Công Duy – Người sáng lập Bizverse World cho rằng nếu như Web1 mất 30 năm để phát triển thì Web3 sẽ nhanh hơn rất nhiều. Bởi vì nếu như Blockchain trước đó vẫn chưa được ghi nhận ở nhiều quốc gia nhưng kể từ khi Metaverse xuất hiện thì nhanh chóng gây chú ý và trở nên mối quan tâm, niềm cảm hứng cho nhiều quốc gia cũng như giới công nghệ.
Web3 sẽ không dừng ở thế giới ảo
Đây là nhận định của các chuyên gia tham dự tọa đàm liên quan đến Web3. Một trong những đặc điểm của Web3 chính là phát triển các ứng dụng tương tác với người dùng trong thế giới ảo Metaverse.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Công Duy, giai đoạn đầu Metaverse sẽ thay đổi trải nghiệm của người dùng thể hiện rõ nhất trong ngành công nghiệp game, nhưng chúng ta sẽ phải tiến tới đưa nó vào cuộc sống thực. “Metaverse hay Web3 chỉ là cách gọi tên, quan trọng là công nghệ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dùng. Metaverse là sự hội tụ của nhiều công nghệ mới để chuyển từ ảo sang thực, gắn với tài sản vật lý nhiều hơn chứ không phải chỉ nói đến các Token dành cho giao dịch tiền điện tử”. Ông Duy nêu ra các ví dụ như ở Hàn Quốc có Kế hoạch sẽ mở cửa “Trung tâm Metaverse 120” (tên dự kiến) – một trung tâm hành chính công ảo – trong năm 2023 để các viên chức công vụ trong môi trường Metaverse sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn và giải quyết các vấn đề dân sự. Hay Đề án phát triển metaverse của Dubai với mục tiêu đề ra là lĩnh vực Metaverse đóng góp GDP hằng năm của Dubai lên 1% và tăng trưởng kinh tế Metaverse lên 4 tỉ USD vào năm 2030. Về nhân lực, Dubai kỳ vọng sẽ tạo ra được thêm 40.000 công việc tính đến năm 2030.
Tương tự, bà Natalie Sit – Giám đốc điều hành Acestar Sdn Bhd khẳng định: “Người dùng tân tiến chắc chắn sẽ không chỉ dừng ở các token kiếm tiền mà họ sẽ hướng đến các dịch vụ mới mang lại lợi ích cho cộng đồng. Do đó, chúng ta phải nắm bắt được các nhu cầu trong cuộc sống để đáp ứng, đó mới là giá trị tạo ra”.
Web3 và những thách thức
Bên cạnh những ưu điểm thì Web3 cũng có những hạn chế nhất định như nó là công nghệ mới phức tạp trong khi người dùng đang quen với Web2, tốc độ xử lý chậm do phải chạy số lượng lớn các nút xác thực, đặc biệt là bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bảo vệ không gian của chúng ta chủ động, bền vững.
Bà Natalie Sit cho rằng công nghệ không thể giải quyết vấn đề phát sinh của con người. Đây cũng là vấn đề mà Web2 cũng gặp phải. “Việc thiếu sự trao đổi thông tin một cách linh hoạt, bình đẳng, chắc chắn sẽ có nhiều thách thức trong Web3”. Bà Natalie Sit nêu ví dụ các game online hay các streaming online đều có các nhóm xuyên biên giới đang cố gắng tấn công bằng phát ngôn hoặc hành động cụ thể. Do đó, các nhà phát triển sản phẩm cần phải chịu trách nhiệm cho các sản phẩm được đẩy vào thế giới ảo đó.
Ông Trịnh Công Duy thì cho rằng, Metaverse hay Web3 đều là giai đoạn sơ khai, chưa định hình rõ nên bắt buộc phải xây dựng chính sách cho người dùng. Đây là điều quan trọng để thúc đẩy công nghệ mới đi vào cuộc sống.
Mặc dù có sự tham gia của Blockchain nhưng tăng cường trải nghiệm sản phẩm và giáo dục ý thức cho người dùng cũng là khuyến cáo mà nhiều chuyên gia làm thực tế các sản phẩm game đưa ra để tăng tính chủ động bảo vệ cho các nhà phát triển sản phẩm cũng như người dùng.
Web3 được dự đoán trong khoảng 10 năm tới sẽ trở nên phổ biến hơn với người dùng. Nhưng để có được điều đó, các doanh nghiệp công nghệ cần tiên phong, bền bỉ theo đuổi ý chí của mình bởi như ông Nicholas Soong – Giám đốc phát triển Hệ sinh thái OKX Chain khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng “Chúng ta không thể sau một đêm thức dậy mà thành ngôi sao được”. Trong hành trình đó chắc chắn có nhiều việc phải làm từ chính doanh nghiệp cũng như cơ quan Chính phủ để xây dựng chính sách cho người dùng.
Trà Giang