Nghệ thuật thứ 8 của Người Hà Nội xưa Người Hà Nội uống nước lọc |
Thuở trước, xe đạp là một báu vật của nhiều người Hà Nội |
Thuở trước, xe đạp là một báu vật của nhiều người Hà Nội. Ông trẻ tôi làm nghề đưa thư cho nhà dây thép. Mỗi lần đạp xe lên phố, gõ cửa từng nhà để đưa thư, ông quay cái chuông leng keng là cả lũ trẻ con chúng tôi chạy theo. Ông thường đèo tôi một đoạn dọc phố. Sao mà khoái thế!
Lớn lên, vào trường Đại học, đi sơ tán. Ngày lên trường, chúng tôi phải cuốc bộ mấy chục cây số từ ga Quán Triều (Thái Nguyên) để dựng lán trại học giữa rừng. Ai cũng mơ: giá có cái xe đạp mà đi thì sướng biết bao! Ngày ấy, cả khoa tôi, chỉ mấy thầy là có xe đạp. Mỗi lần về Hà Nội họp, các thầy lại gò lưng đạp xuyên cả ngày lẫn đêm mới tới nơi. Có chiếc xe đạp riêng, với tôi, đó là niềm mơ ước.
Về công tác ở Viện Khảo cổ học được năm, sáu năm, do tích cực phấn đấu cộng với nhu cầu công tác nên tôi được bình bầu cho mua xe đạp phân phối. Là đàn ông, tôi được phiếu mua xe Thống Nhất nam, chị Hương cùng phòng được mua xe Phượng Hoàng.
Xe Thống Nhất có bộ khung thật nhẹ, chắc, chạy rất bon - Ảnh minh họa |
Xe Thống Nhất thời ấy được ưa chuộng hơn xe Phượng Hoàng. Xe Phượng Hoàng rập khuôn kiểu xe đạp của Anh, tuy nước sơn, nước mạ bóng bẩy nhưng nặng. Bò lên dốc phải đạp bở hơi tai. Xe Thống Nhất có bộ khung thật nhẹ, chắc, chạy rất bon.
Đến phố Tràng Thi, vào cửa hàng duy nhất của nhà máy xe đạp ở Hà Nội lúc bấy giờ, tôi loay hoay chọn trong dãy xe chỉ có dăm bảy cái thuộc loại mình ưa nhất. Nghe nói búng vào khung xe, nếu thấy tiếng keng keng thật giòn là khung tốt. Tôi cũng búng thử, nhưng khung nào cũng keng keng cả. Hồi ấy, xe Thống Nhất giá trị nhất là bộ khung và đôi săm lốp Sao Vàng. Khung Thống Nhất và lốp Sao Vàng là hàng nội chính cống nhưng ăn đứt nhiều loại lốp ngoại, khung ngoại.
Dắt xe ra cổng, theo lời khuyên của mọi người, tôi không dám bơm xe đạp ngay mà phải thuê thợ tháo ra, giũa các chân nan hoa nhọn, rắc bột phấn rôm vào bên trong để săm lốp không dính vào nhau, lên vành cho cân, xiết lại những con ốc “tanh” bắt vào “gác đờ bu” cho chắc. Tệ nhất là những con ốc chỉ vặn quá tay một chút là chờn ngay tức thì. Sản phẩm của một thời “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” là thế. Dẫu sao tôi cũng đã có một chú ngựa riêng của mình.
Thường xuyên dã ngoại, mỗi lần đi xa, tôi lại phải tháo rời đôi bánh xe, lấy giẻ cuốn quanh chiếc khung rồi cẩn thận buộc chặt vào sau cái “Com măng ca đít vuông” để lên địa bàn. Tài thật! Có lần chúng tôi buộc cả ba chú ngựa sắt vào sau xe, đi đường rừng núi toàn ổ gà xóc lộn ruột mà lên tới Lai Châu, Điện Biên, xe vẫn chẳng hề hấn gì.
Ngày ấy, mấy anh em chúng tôi, mỗi người một chú ngựa sắt, đang lang thang khảo sát tận Tam Đường, Lai Châu thì nghe tin tàu bay B52 bắn phá Hà Nội. Cơ quan sơ tán, đội xe ô tô tản đi khắp nơi, thế là cả nhóm quyết định phải tự đạp xe về. Tôi phải tháo bỏ đôi “gác đờ bu” nhôm cho gọn nhẹ, lấy tre gia cố “poóc ba ga” để buộc chiếc ba lô chứa đầy vật mẫu đá nặng. Má phanh đã mòn vẹt, khi xuống dốc phải dùng chân dận gót giày chẹn vào bánh trước làm phanh. Mỗi khi leo dốc, lội suối, tôi mới thấy con ngựa Thống Nhất của mình nó tuyệt vời làm sao. Võ Quý cùng nhóm tôi cưỡi con Phượng Hoàng với bộ khung nặng trịch, lên dốc thì đẩy bở hơi tai. Cái “anh” khung Thống Nhất và “cặp giò” Sao Vàng qua gian nan thử thách mới thấy bền thật. Sau hơn tháng trời, với con ngựa sắt Thống Nhất, tôi đã vượt bao đèo dốc từ Tam Đường sang Điện Biên, về Tuần Giáo. Vượt dốc Pha Đin dựng đứng. Lên tới đỉnh, thình lình thấy cả đàn máy bay phản lực “Con ma”, “Thần sấm” ầm ầm lượn dưới thung lũng lẻn vào đánh phá thủ đô mà đau thắt ruột. Rong ruổi đường trường với con ngựa sắt Thống Nhất, cuối cùng tôi cũng về tới Hà Nội khi trận chiến B52 vừa dứt. Nhìn lại con “tuấn mã” của mình, tôi cảm thấy thân thương như người bạn tri kỷ không thể xa rời được.
Rong ruổi đường trường với con ngựa sắt Thống Nhất, cuối cùng tôi cũng về tới Hà Nội khi trận chiến B52 vừa dứt. |
Ngày thống nhất, khắp bến tàu bến xe, đâu đâu cũng cảnh anh bộ đội da sạm nắng chiến trường, trên vai vác chiếc khung xe đạp Sài Gòn, ba lô con cóc bạc phếch thò ra đôi chân búp bê và trong ba lô là mấy thước lụa đen mua về cho mẹ, cho vợ, cho con. Nắm được nhu cầu ấy, cánh thợ Sài Gòn đua nhau kiếm đủ loại ống tuýp nước, cuốn tôn rởm làm khung xe, sơn bóng, kẻ mác ngoại đem bán. Thế nên đi mấy ngày là rệu rã, gặp ổ gà thì gục liền. Riêng cái anh xe Thống Nhất quốc doanh thì bộ khung vẫn là vô địch.
Sau xe đạp đến thời xe máy. “Cá xanh”, Cá xám” rồi Honda ồ ạt ra miền Bắc. Xe Thống Nhất của tôi trở thành lạc hậu với xe máy đang lên ngôi. Tôi cũng dành dụm mua được con “Cá xám” nổ phành phạch. Con ngựa Thống Nhất già tạm khóa để dưới gầm cầu thang.
Sau một đêm mưa gió, sáng ra, thấy con ngựa già Thống Nhất bỗng “không cánh mà bay”, tôi bàng hoàng như mất một người bạn già thân thiết. Bao kỷ niệm của những chuyến đi xưa lại hiện về.
Có người an ủi: “Của đi thay người! Cậu có mất xe thì nhà máy Thống Nhất mới bán được xe mới, công nhân mới có công ăn việc làm chứ?”
Chẳng biết có đúng không nhưng đến bây giờ, xe đạp Thống Nhất và lốp Sao Vàng của ta vẫn tồn tại và phát triển. Chẳng những thế, xe Thống Nhất Việt Nam còn vươn xa đến tận thị trường Nhật, Mỹ…
Người ta đã tôn vinh những chú ngựa sắt Thống Nhất Made in Vietnam chưa nhỉ? Riêng với tôi, con tuấn mã Thống Nhất của tôi đáng được ghi công “Tuấn mã phi thường, có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.”
Ôi! Tuấn mã yêu quý của ta! Giờ này mi ở đâu?
Tác giả Vũ Thế Long