• Phát động Giải Báo chí về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024
Các diễn giả tham gia tọa đàm |
Ngày 25/6, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Từ hoạch định chính sách đến hành động và vai trò của báo chí, truyền thông”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam II”, do Bộ Công thương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) chia sẻ, ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường công tác tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025. Đặc biệt, ngày 14/2/2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 05/CT-TTg bảo đảm cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới. Trong 12 nhóm giải pháp lớn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò của công tác tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 xác định truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, có vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông với nòng cốt là những nhà báo, phóng viên trên khắp cả nước.
Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, trong những năm qua, với sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có sức lan toả mạnh mẽ, giúp cộng đồng biến nhận thức thành hành động, từ hành động trở thành thói quen.
Các diễn giả tham gia tọa đàm cũng nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia có quy mô nền kinh tế đang tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm từ 6 – 7% trong vòng vài thập kỷ gần đây. Cùng với đó, nhu cầu năng lượng, điện tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.
Do đó, vai trò của công tác truyền thông là rất quan trọng, giúp nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tạo thành thói quen sống từ những việc làm hằng ngày, hay việc lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng,… Để việc thông tin, tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan truyền thông với các chuyên gia, cơ quan quản lý.
TS. Lê Anh Tuấn – Phụ trách Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực cho rằng, việc chủ động cung cấp thông tin từ phía cơ quan quản lý, sự đầu tư nghiên cứu của phóng viên, nhà báo và sự sẵn sàng của chuyên gia trong việc chia sẻ, phản biện chính sách sẽ đem lại hiệu quả trong truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hà An