Những kiểu uống mang phong vị Trung Hoa ở Hà Nội |
Văn hóa giải trí chính là luồng gió mát, làm mềm mại những điều tưởng chừng khô cứng. Với bài viết "Từ ống bơ đến bơ bò", Tạp chí Tự động hóa Ngày nay hy vọng sẽ mang đến câu chuyện thú vị tới bạn đọc.
Mùi hương quê từ bát cơm mẹ nấu - Ảnh minh họa |
Tôi nhớ thuở nhỏ, bố mẹ đi làm cả ngày, việc cơm nước trong nhà mẹ tôi lo toan chu đáo, nhưng bà luôn cắt đặt cho mấy chị em tôi mỗi người một việc. Tôi được giao việc vo gạo, chẻ củi… Các em thì nhặt rau, rửa bát… Sáng sáng, trước khi đi trực chiến giao thông ngoài cầu phao sông Hồng, mẹ tôi luôn dặn dò, nhưng thường không hôm nào giống hôm nào: “Hôm nay con đong hai bơ gạo nhé, lấy thêm mấy nắm mì để sẵn, độn vào cơm…” “Bác Dung về ăn cơm trưa nay, con đong hai bơ một gạt nhé...” “Con chịu khó đong cho mẹ ba bơ gạo rồi đi xếp hàng đổi bún. Chiều mẹ mua mấy lạng thịt nướng chả, nhà ta làm bữa cải thiện, lâu rồi chẳng có tí mỡ nào...” Tôi cứ thế mà làm: Mở cái thùng gạo vơi, lấy cái ống bơ cũ kỹ đã mòn sáng bóng, đong gạo đúng như mẹ dặn...
“Bố ơi, tại sao lại gọi cái lon sắt tây ấy là ống bơ?” |
Cái ống bơ ấy - nó nằm trong thùng gạo nhà tôi từ ngày nảo ngày nào tôi cũng chẳng nhớ nữa. Chỉ biết là từ khi lớn lên đã thấy nó nằm ở đấy rồi.
Một hôm, tôi tò mò bỏi bố: “Bố ơi, tại sao lại gọi cái lon sắt tây ấy là ống bơ?” Bố tôi bèn lục trong thùng đồ nghề thợ nguội cũ của ông ra một cái hộp sắt tây đựng ốc vít. Cái hộp trông giống hệt như cái bơ đong gạo nhà tôi. Ông giải thích: “Đây là vỏ hộp đựng bơ của lính Tây đem vào Hà Nội. Ăn xong người ta vứt đi. Bố lượm về dùng. Một cái để đong gạo, cái còn lại bố đựng ốc vít.” Bố tôi cũng bảo, sở dĩ thời đó, lấy cái lon này để đong gạo vì các bà ngoài chợ quen dùng nó để đong các thứ như một tiêu chuẩn đo lường.
Cái hộp đựng bơ của lính Pháp ngày xưa, tiếng Pháp viết là Beurre, đọc gần như từ “bơ” của tiếng Việt. Tò mò về cái ống bơ, tôi tra từ điển thì thấy miêu tả: “Ống là vật hình trụ, rỗng và dài.” Về hình dáng, cái hộp đựng bơ không hề giống cái ống, sao lại gọi là “ống bơ” được? Tôi thắc mắc với bố, ông suy nghĩ một lúc và bảo tôi lấy từ điển ra tra thêm. Thì ra đồ đựng, đồ đong của người Việt mình có mấy loại như sau:
Cái cóng: Thứ đồ đựng bằng sành hình trụ, miệng rộng có nắp đậy, thân hơi phình, đáy lồi.
Lon: thứ đồ đựng bằng kim loại hình trụ hay thứ vại nhỏ, chậu nhỏ bằng sành…
Bố con tôi ngờ rằng “ống bơ” là do người ta đọc chệch từ “cóng” mà ra, bởi có nơi người ta gọi cái vỏ hộp sữa bò là cái “cóng bơ”. Chẳng biết có đúng không. Còn người ta gọi cái lon sữa bò là có lý của nó.
Thôi để các nhà ngôn ngữ học giải quyết.
Các bà bán hàng ngoài chợ khi đong gạo hay ngô, đỗ thuở xưa thường dùng các loại đấu, ca sắt…, nay có thêm cái cóng bơ hay cái ống bơ cũng thuận tiện vì gần như nhà nào cũng dùng để đong gạo.
Người ta có hai lối đong. Lối đong có ngọn gọi là “bơ đầy”, đong ngang miệng ống bơ thì gọi là “bơ gạt”. Lắm anh đi chợ có máu tham, khi đong cứ đòi tự đong lấy, hai tay be miệng cái ống bơ cho dôi ra. Thế là lại mè nheo mặc cả vui đáo để.
Sau này, loại vỏ đồ hộp đựng bơ hình như hiếm dần và một loại vỏ đồ hộp khác phổ biến hơn là hộp đựng sữa bò đặc có đường xuất hiện. Thế là cái hộp đựng sữa bò dần dần trở nên thông dụng trong việc đong hàng ngoài chợ. Đi chợ ở mạn ngược, hay nghe thấy người ta hay mặc cả mấy nghìn một bơ bò đậu, một bơ bò chè… Và rồi cái vỏ hộp đựng sữa bò, vốn chẳng liên quan gì đến cái cóng đựng bơ, tự nhiên có một cái tên mới là “bơ bò”.
Thuở nhỏ, lũ trẻ con chúng tôi thích học đòi người lớn. Thấy mẹ nấu cơm, nấu cháo cũng muốn bắt chước nấu xem mình có làm được không. Chúng tôi kiếm cái ống bơ, nhặt mấy cành cây khô, mỗi đứa lẻn về nhà nhón mấy nhúm gạo rồi ra đầu ngõ đặt ba cục gạch, góp gạo thổi cơm chung… Cơm chẳng ra cơm, cháo chẳng ra cháo nhưng vui đáo để.
Tưởng cái trò nấu cơm ống bơ ấy chỉ dành cho con trẻ, thế mà người lớn cũng có lúc phải dùng đến đấy. Tôi còn nhớ có lần được hầu rượu cụ Văn Cao khi vợ chồng nhạc sĩ đến thăm ông nhạc tôi. Các cụ ngồi ôn với nhau chuyện thời kháng chiến chống Pháp trên Phú Thọ, cả chuyện phải vượt qua gian khổ, đói rét ra sao. Chuyện là, có bữa cụ Văn Cao và ông nhạc tôi kiếm đâu được chút đậu xanh và cục đường đỏ, bèn cho vào cái ống bơ, nhóm lửa bằng vách nứa rút từ lán trại trong rừng, làm nồi “lục tào xá” nóng hổi giữa đêm đông rừng Việt Bắc rồi đàm đạo văn chương thế sự.
Chuyện các cụ kể tưởng như mới hôm qua mà hai cụ ra đi cũng đã hơn chục năm rồi.
Hà Nội 19/3/2012