Rượu nếp của bà tôi Rượu Tây ở Hà Nội |
Văn hóa giải trí chính là luồng gió mát, làm mềm mại những điều tưởng chừng khô cứng. Với bài viết "Những kiểu uống mang phong vị Trung Hoa ở Hà Nội", Tạp chí Tự động hóa Ngày nay hy vọng sẽ mang đến câu chuyện thú vị tới bạn đọc.
Sự có mặt của một cộng đồng người Hoa sống lâu đời ở Hà Nội đã để lại những dấu ấn đậm nét trong đời sống ẩm thực của người Hà Nội. Những kiểu ăn, lối uống xa xỉ do người Hoa đưa đến xuất hiện trong một số ít tiệm ăn lớn ở Hà Nội như tiệm Lục Quốc dưới Phố Huế hay Đông Hưng Viên, Mỹ Kinh trên Hàng Buồm... Còn lại, đồ ăn thức uống của người Hoa ở Hà Nội đa phần là do những bà con lao động lam lũ bán rong trên các đường phố hay trong những quán nhỏ tập trung ở một vài phố cổ. Nhiều đồ uống bán rong trước đây khá phổ biến ở Hà Nội nhưng nay đã vắng dần hoặc mất hẳn, hoặc đã bị biến đổi theo lối khác vì bí quyết chế biến đã không được truyền lại.
Phở - Miến - Mỳ - Ảnh minh họa |
Tôi mới chỉ một lần trong đời theo chân người lớn vào ăn cơm Tàu trên tầng hai của tiệm Lục Quốc ở xế cửa chợ Hôm. Ngôi nhà 96A Phố Huế này, về sau, trở thành khu tập thể của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có gia đình nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, mấy thế hệ gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ... Ăn uống xa xỉ không phù hợp với thời bấy giờ. Lúc ấy cũng chẳng ai có tiền mà đi ăn tiệm. Vì thế, nhà hàng này đã đóng cửa. Ông quản lý kiêm đầu bếp thì chuyển sang làm việc trong công ty ăn uống. Sau này, ông và bà vợ cùng mấy người con là những người chủ chốt trong việc chế biến các món ăn ở cửa hàng Phú Gia và nhà ăn tập thể Tràng Tiền xế cửa rạp Công Nhân trong thời bao cấp.
Món ăn, thức uống trong nhà hàng Lục Quốc thời ấy đối với tôi là sang trọng quá, lạ lùng quá. Tôi vốn nhút nhát, chẳng dám hỏi người lớn xem những đồ ăn thức uống lạ lẫm ấy nó là thứ gì, cứ âm thầm mà thưởng thức. Về nhà, tôi tò mò hỏi bố tôi món này món nọ nhưng bố tôi cũng chịu. Ông chỉ giảng giải cho tôi có độc một món mà tôi thích nhất hôm ấy, là món óc đậu. Bố tôi bảo nó được làm ra từ đậu tương như kiểu làm đậu phụ hay tào phớ rồi đem rán. Khi ăn thì chấm với đường. Trẻ con thường ưa của mềm mềm ngọt ngọt nên tôi chén tì tì mấy miếng. Ăn vào ngang bụng, chẳng thiết ăn uống gì thêm nữa. Tôi còn nhớ trước khi vào tiệc, mọi người uống trà Tàu. Trong bữa tiệc bàn tròn, người lớn uống rượu nghe nói là Mai Quế Lộ có mùi thơm là lạ. Thứ rượu này đựng trong chai sứ và mở ra thì rót vừa đủ mười hai chén. Bố tôi không biết uống rượu, chỉ nâng chén nhấp chút gọi là cho phải phép, còn trẻ con thì chỉ ngồi nhìn, mà cũng chẳng có đồ uống riêng cho trẻ nhỏ. Sau này tôi mới biết là ngày xưa ở Hà Nội, khi đi ăn cơm Tàu thì người ta chỉ uống rượu Tàu chứ không bao giờ uống rượu Tây cả.
Thời đó, bên cạnh những cao lâu tửu điếm phục vụ những món xa xỉ, những thức ăn, đồ uống do người Hoa làm ra được bán khắp nơi trên đường phố Hà Nội, từ phố lớn đến ngõ nhỏ. Người bán hàng thường đẩy xe hoặc gánh những gánh hàng nhỏ, hai bên là những chiếc thùng gỗ, tủ con đựng bát đũa thìa và đồ ăn thức uống chứ không phải các thúng xôi chè, bánh cuốn được gánh hoặc đội trên đầu như lối bán rong của bà con người Việt ở ngoại thành vào bán trong phố. Họ cần mẫn rao hàng từ sớm tinh mơ đến đêm khuya. Sáng ra đã thấy tiếng rao: "Lạp xưởng Mái Phàn (xôi lạp xưởng)", “Bánh bao Tài Páo (bánh bao nóng với sữa đậu nành)”; rồi: “Tào phớ”, “Chí mà phù, Lục tào xá (chè vừng đen, chè đậu xanh)”, “Bát bảo lường xà (chè pha từ tám loại thảo mộc quý), Chế cố (Thứ kem nhạt làm từ đường kính với hoa quả như chanh, dứa)”...
Những kiểu ăn, lối uống xa xỉ do người Hoa đưa đến xuất hiện trong một số ít tiệm ăn lớn ở Hà Nội... Ảnh tư liệu |
Bát bảo lường xà
Bát bảo lường xà là một thứ uống đặc biệt của người Hoa, xưa bán rất nhiều ở Hà Nội. Người bán bát bảo lường xà thường đẩy chiếc xe gỗ nhỏ bốn bánh, quanh thùng xe là những dãy cốc xếp ngay ngắn trong những lỗ tròn và một thùng trà nóng. Cũng có hàng bán trên phố, người ta múc ra bát cho khách uống. Kiểu uống bát này có vẻ “Trung Hoa” hơn. Chẳng hiểu những vị thảo mộc quý đó là những gì nhưng nghe nói toàn là những vị thuốc bổ từ phương Bắc cả. Hồi còn trẻ con đi học, tò mò, tôi cũng mua mấy hào uống thử. Quả là với tôi, vị uống này nó lạ lẫm quá, y như thuốc Bắc vậy. Sau này, tôi chẳng bao giờ uống thứ nước ấy nữa. Bát bảo lường xà bây giờ hầu như không thấy bán ở Hà Nội. Chẳng biết có phải do không có khách hàng hay do mấy cụ biết pha chế loại nước uống này đi cả rồi, vì thế bát bảo lường xà cũng vắng bóng luôn từ đó.
Rượu thuốc, rượu Tàu
Uống rượu thuốc ở Hà Nội là một lối uống có lẽ cũng có nhiều ảnh hưởng của lối uống Trung Quốc. Ở nhà quê, các cụ cũng ngâm rượu thuốc, nhưng các vị thuốc thường là củ cây trong vườn nhà và một vài thứ thảo dược để trị bệnh. Trước đây, ở Hà Nội, có nhiều gia đình tự mua thuốc Bắc về và ngâm bình rượu thuốc uống dần. Rượu thuốc được coi như một thứ thuốc để dưỡng sức, tẩm bổ, thường được các cụ cao niên dùng. Sau năm 1975, một số quán rượu thuốc theo kiểu quán rượu thuốc của người Hoa từ Sài Gòn được phổ cập ra Hà Nội. Ở Hà Nội, có những tiệm rượu thuốc chuyên bán các loại rượu thuốc cho tửu khách. Tôi không phải là dân sành rượu nhưng cũng đã có lần được mời đến thưởng rượu tại một quán nhỏ luôn đông khách nằm trong khu phố cổ. Ở đây, rượu ngâm thuốc là rượu ngang nấu từ gạo nếp. Rượu thì trăm phần trăm là rượu Việt Nam còn các vị thuốc đa phần là thuốc Bắc. Người ta còn ngâm rượu với đủ loại động vật: rắn, tắc kè, bìm bịp, mật trăn, mật gấu... và đồ nhắm ở đây thì đặc biệt nhất là món ngẩu pín.
Có người nói xưa kia, người Việt mình không biết nấu rượu cất mà chỉ biết làm rượu ủ cho lên men như rượu nếp, rượu cần thôi. Rượu cất là văn minh Trung Hoa, do người Hoa đem vào. Tôi chẳng tin. Bằng chứng là trong nhiều năm lăn lộn công tác trên rừng núi, tôi đã được thấy đồng bào Thái, đồng bào Mường dùng những dụng cụ cực kỳ đơn giản mà vẫn cất được rượu uống. Ngay cả thứ rượu trắng mà người Hà Nội vẫn quen gọi là rượu ngang, rượu quốc lủi... thì hương vị của nó cũng khác hẳn với mọi thứ rượu của người Trung Quốc. Nhưng cũng có thể từ cách chưng cất rượu học được từ người Hoa hay từ đâu đó, người Việt đã khéo léo kết hợp với những đặc sản men, đặc sản gạo của mình, chế biến gia giảm để tạo ra thứ rượu đặc trưng. Đó không phải là chuyện lạ với cách sáng tạo ẩm thực xưa nay của người Việt.
Sữa đậu nành
Đậu nành và sữa đậu nành là một sản phẩm 100% của văn hóa uống Trung Quốc. Trong khi sữa bò đối với người Hà Nội xưa là một thứ uống phương Tây tương đối xa xỉ và đắt tiền thì sữa đậu nành lại là một thứ uống bình dân, giản dị.
Sữa đậu nành vẫn có bán ở Hà Nội nhưng không phổ biến như ngày nay |
Trước đây, sữa đậu nành vẫn có bán ở Hà Nội nhưng không phổ biến như ngày nay. Người ta uống sữa đậu nành nóng với bánh bao cũng luôn được hấp nóng ở phố Hồ Hoàn Kiếm, một trong những phố ngắn nhất Hà Nội. Cửa hàng bánh bao sữa đậu nằm ở ngay cạnh nhà hát múa rối nước xế cửa đền Ngọc Sơn. Cửa hàng bánh bao nổi tiếng này bán hai loại bánh bao: nhân mặn với lạp xưởng, thịt băm trộn miến, trứng và nhân ngọt với đậu xanh. Ở đây, người ta luôn ăn bánh bao cùng sữa đậu nành, chứ không thấy ai vừa ăn bánh bao vừa uống sữa bò cả.
Sữa đậu nành có nhiều chất bổ, lành và lại rẻ tiền nên bây giờ, nhiều nhà ở Hà Nội có thói quen uống sữa đậu nành. Người ta đã sản xuất sữa đậu nành đóng chai, đóng hộp theo lối công nghiệp bày bán khắp nơi. Cũng có những người làm sữa đậu và sáng sáng, đạp xe đem chai sữa đến từng nhà như kiểu các "Milkman" (người giao sữa) bên châu Âu vậy.
Tào phớ
Sáng sáng, thấy tiếng rao "Tào ph...ớ...ớ..." ngân dài từ đầu ngõ là mẹ tôi lại chuẩn bị cái bát con để mua cho bà tôi bát tào phớ. Bà tôi đã già, răng móm mém cả; sáng ra không ăn gì, khoảng tám, chín giờ thì ăn bát tào phớ lót dạ. Bà bảo tào phớ ăn lành, dễ tiêu, mà ăn hay uống tào phớ cũng được vì có phải nhai đâu.
Bây giờ, tào phớ được bán dạo khắp Hà Nội nhưng không còn cái cảnh gánh những thùng gỗ đi rao khắp phố như xưa |
Tào phớ là thứ ăn - uống làm từ đậu nành. Nước đậu xay, lọc cho kết tủa với nước chua thì thành tào phớ. Gánh tào phớ của bác Phầu - người Hoa - thường rao bán ở phố tôi trông cũng như mọi gánh tào phớ khác bán dạo trên hè phố Hà Nội thời ấy. Một bên gánh của bác là chiếc chạn nhỏ đóng bằng gỗ, trong úp ngay ngắn những chiếc bát nhỏ và một ống đựng những chiếc thìa sứ xinh xinh, một liễn nước đường thắng có thả hoa nhài, chiếc khăn lau bát và âu nước rửa. Đầu gánh bên kia là chiếc thùng gỗ ghép đóng đai đựng tào phớ với chiếc nắp gỗ có dây chằng.
Như thường lệ, mẹ tôi gọi mua bát tào phớ cho bà. Bác Phầu cẩn thận mở nắp thùng, lấy chiếc vỏ con điệp mỏng tang, lượn tay gạt từng lát tào phớ cho vào bát rồi mở liễn nước đường, múc dội lên những lát tào phớ trắng phau mịn màng. Mùi hoa nhài tỏa thơm ngát hòa lẫn hương vị nhẹ nhàng quyến rũ của thứ tinh đậu phụ tiết ra từ những lát tào phớ khiến lũ trẻ chúng tôi thèm rỏ dãi. Thế là mẹ tôi lại phải gọi thêm cho mỗi đứa một bát.
Hình như tào phớ chỉ thấy có ở thành thị. Hồi đó, tôi không thấy bán ở chợ quê hay rao bán trong các làng. Có lẽ thứ quà ăn - uống này sinh ra là để chiều dân thị thành chăng? Chẳng biết tại sao thứ quà vừa ăn vừa uống này lại được gọi là “tào phớ”? Có người bảo tôi rằng, "tào phớ" là cách rao của người Quảng Đông tức là "Đậu phụ". Chẳng biết có đúng không?
Bây giờ, tào phớ được bán dạo khắp Hà Nội nhưng không còn cái cảnh gánh những thùng gỗ đi rao khắp phố như xưa. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy những bác bán tào phớ cao tuổi ăn mặc chỉnh tề: quần âu, sơ mi bỏ trong quần. Các bác đạp chiếc xe đạp mi ni được thiết kế một cách vô cùng đặc biệt. Giữa phần cổ phuốc và khung xe gần phía cọc yên được hàn một hệ thống giảm xóc với đôi lò so chống rung theo chiều dọc. Gắn vào đôi lò so là một dàn khung đỡ bằng sắt có thể chuyển động lắc lư theo chiều ngang. Chiếc khung này hình tròn và đặt vừa khít một chiếc thùng nhôm sáng loáng, ấy là thùng đựng tào phớ. Nước đường và chén bát cùng nước rửa được xếp gọn gàng trên poóc-ba-ga ở phía sau. Đi một đoạn, bác bán hàng dừng lại, rút một thanh gỗ nhỏ ra chèn vào nan hoa để đậu xe trên hè phố và vẫn rao “Tào phớ” như xưa. Chiếc xe thật gọn gàng và kết cấu thật ổn định để bán một thứ đồ vừa ăn vừa uống có gốc Trung Hoa, nhưng tôi dám chắc kiểu xe đạp chở tào phớ này thì chỉ có ở Việt Nam. Nó chính là phát minh của “Tào phớ Hà Nội” thời đổi mới!