Chiếc cốc vại của người Hà Nội |
![]() |
Người Hà Nội quen gọi các thứ rượu ngoại Âu, Mỹ là rượu Tây |
Người Hà Nội quen gọi các thứ rượu ngoại Âu, Mỹ là rượu Tây. Rượu do người Pháp nấu trong nhà máy của Pháp ở Hà Nội xưa cũng không gọi là rượu Tây. Rượu Tây có ở Việt Nam từ bao giờ? Rượu Tây do thực dân Pháp mang vào hay do các cha cố, các tàu buôn châu Âu mang tới? Đó hãy còn là điều bí mật chưa ai khám phá.
Nhà thơ trào phúng Tú Xương đã viết trong bài “Chữ Nho”:
“Nào có nghĩa gì cái chữ nho,
Ông nghè ông cống cũng nằm co.
Chi bằng đi học làm thầy phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.”
Hai sản phẩm uống là sữa bò và rượu sâm banh (Champagne) thì đích thực là đồ uống Tây một trăm phần trăm rồi. Thuở trước, dân ta đâu có biết đến rượu sâm banh và có uống sữa bò bao giờ. Mấy câu thơ trên ít nhiều cho thấy tầng lớp công chức người Việt làm cho Pháp cũng là một đầu mối để đưa lối uống này vào đời sống của một bộ phận người Hà Nội.
![]() |
Rượu Martin |
Tôi có hỏi chuyện một số người Hà Nội đã từng làm việc trong sở Tây trước đây. Nhiều người trong số này cũng không uống rượu Tây và rượu Tây thời xưa chỉ là thứ đồ uống của một số người Pháp và một số người Việt ở tầng lớp trên mà thôi. Tôi nghe kể lại rằng thời ấy, lối uống rượu Tây ở Hà Nội cũng là uống theo lối Pháp. Người ta uống các loại rượu vang Pháp, sâm banh, rượu ngọt như Cointreau 40 độ, chai vuông có hương liệu chiết xuất từ vỏ cam hay vỏ phật thủ; rượu bạc hà màu xanh khi uống pha thêm nước đá; rượu hồi Anis màu trong suốt nhưng khi pha với nước suối thì cốc rượu chuyển sang màu trắng đục, có hương thơm đặc biệt. Thứ rượu hồi này của Pháp sở dĩ nổi tiếng toàn cầu là nhờ tinh dầu hồi lấy từ vùng biên giới Lạng Sơn. Sau năm 1954, thứ nguyên liệu này không được chưng cất như trước nữa nên rượu Anis của Pháp đã có thời gian bị giảm uy tín và vì thế, sau này, người Pháp lại liên doanh với ta mở một nhà máy chưng cất tinh dầu ở Lạng Sơn để cung cấp nguyên liệu chế tạo loại rượu nổi tiếng này. Rượu Cô-nhắc (Cognac) Pháp cũng là một thứ đồ uống cao cấp ở Hà Nội. Khi ăn cơm Tây ở Hà Nội thời ấy, người ta thường khai vị bằng Martin. Khi ăn thì uống vang trắng hoặc vang đỏ. Ăn xong thì uống sâm banh. Tôi nghe một số người lớn tuổi nói vậy. Trước đây, kiểu uống Vodka, Whisky không thịnh hành lắm ở Hà Nội.
Hà Nội vào những năm đầu giải phóng cũng có một vài tiệm rượu. Tôi còn nhớ sau năm 1954, ở phố Tràng Tiền gần cửa hàng Bô Đê Ga bây giờ có một tiệm rượu với quầy bar và những chiếc ghế tròn tròn cao cao. Đi qua, thấy trên tường có treo chiếc bánh xe bò hay cái vô lăng tàu thủy để trang trí. Tò mò ghé mắt, chẳng thấy ai vào quán rượu. Chỉ một thời gian ngắn sau hòa bình, tiệm rượu này cũng đóng cửa. Từ đấy, tôi không thấy còn tiệm rượu nào chuyên bán rượu Tây ở Hà Nội nữa. Mãi về sau này, thỉnh thoảng trong các quầy hàng mậu dịch mới thấy bày bán một số rượu Tây.
Hồi ấy, những ai có dịp đi học hay đi công tác nước ngoài cũng hay mua về làm quà chai rượu Whisky mà người Hà Nội quen gọi là Giôn đỏ hoặc Giôn đen. Ở bên Tây, người ta thường uống Whisky trong những cốc pha lê to hình trụ không cao và không có chân. Loại cốc này gọi là cốc uống Whisky.
Người Hà Nội trước đây uống Whisky cũng như kiểu uống rượu trắng vậy. Ông bạn tôi đi Tây về, có chai rượu Giôn, rủ bạn đến nhắm. Có cốc chân cao pha lê thì càng tốt. Không có, rót vào chén sứ, chén tống cũng chẳng sao. Rồi nhắm với nộm, với giò, với gà xé phay...
Thế đấy, rượu Tây + cỗ ta! Người khó tính thì bảo ăn uống như thế là ăn uống hổ lốn, là phàm tục. Kẻ thích ăn uống kiểu bụi, kiểu dân dã thì lại nói: Đích thị đây là giao thoa văn hóa ẩm thực!
Tôi kể dông dài thế cũng là để tự nhớ lại xem thời ấy, người Hà Nội, trong đó có tôi và bạn bè tôi, uống rượu như thế nào, kẻo rồi ít năm nữa lại quên biến đi như một truyện cổ tích lâu ngày.