Sáng 11/4, Diễn đàn hợp tác xã Quốc gia năm 2025 với chủ đề “Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững” được khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chủ trì diễn đàn.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn |
Hợp tác xã nông nghiệp chiếm hơn 67% trong tổng 33.500 hợp tác xã, hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác và phát triển
Phát biểu tại diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, diễn đàn là một trong những điểm nhấn nổi bật của Tháng hành động Hợp tác xã 2025. Đây là sự kiện quy tụ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và đại diện khu vực kinh tế tập thể nhằm thảo luận, kiến nghị các giải pháp phát triển hợp tác xã gắn với xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức.
Diễn đàn còn có sự tham gia của 100 hợp tác xã đạt Giải thưởng Ngôi sao hợp tác xã năm 2025. Đây là những mô hình tiêu biểu, đi đầu trong cả nước về sản xuất kinh doanh. Theo đó, diễn đàn không chỉ là nơi lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, mà còn mở ra cơ hội hợp tác, liên kết, hình thành các dự án mới giữa hợp tác xã và doanh nghiệp.
Theo thống kế, hiện cả nước có trên 33.500 hợp tác xã hoạt động đa lĩnh vực, trong đó, hợp tác xã nông nghiệp chiếm 67,8% với hơn 3,8 triệu nông dân tham gia mô hình này. Kinh tế tập thể với nòng cốt là các hợp tác xã đang ngày càng khẳng định vai trò trong liên kết sản xuất, nâng cao năng suất lao động và xây dựng chuỗi giá trị hiệu quả.
“Thực tiễn cho thấy, ở đâu có sản xuất, có nhu cầu phát triển kinh tế thì ở đó có tổ hợp tác, hợp tác xã. Nếu được phát triển hiệu quả, các tổ hợp tác, hợp tác xã không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng GDP, giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bền vững’, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh.
Trong bối cảnh Việt Nam chịu áp lực từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và yêu cầu hội nhập xanh, việc hợp tác xã chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc và tham gia thị trường tín chỉ carbon đang dần trở thành yêu cầu tất yếu.
![]() |
Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kỳ vọng có ít nhất 3 hợp tác xã trong nước lọt top 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu |
Đặc biệt, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long đặt ra yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ cho hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp tại khu vực này.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Đảng và Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách trọng điểm như: Nghị quyết 106/NQ-CP về phát triển hợp tác xã nông nghiệp, Nghị định 113/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hợp tác xã và Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể,…
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể, Bộ Tài chính cho rằng, để chuyển đổi xanh thành công, cần có một khung chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã tiếp cận công nghệ, tài chính, đào tạo và mở rộng thị trường.
Luật Hợp tác xã năm 2023 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần đưa chính sách hỗ trợ vào thực tiễn, tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể phát triển. Luật thể chế hóa 8 nhóm chính sách trọng tâm, trong đó nhấn mạnh ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, bảo hiểm, khoa học công nghệ,… cho các tổ chức kinh tế tập thể gắn với kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, ngoài việc thụ hưởng chính sách chung, hợp tác xã nông nghiệp còn được ưu tiên tiếp cận vốn, giống, công nghệ khi chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, sản xuất bền vững.
“Để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, các bộ ngành cần khẩn trương triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023, đồng thời rà soát, điều chỉnh các chính sách chưa phù hợp, đảm bảo đồng bộ với quy định mới”, ông Bùi Anh Tuấn phát biểu.
Chuyển đổi mô hình hợp tác xã xanh để thúc đẩy ngành nông nghiệp công nghệ cao, tiến tới hội nhập
Với mục tiêu trọng tâm nâng cao nhận thức và năng lực cho hợp tác xã trong việc áp dụng mô hình kinh tế xanh, giảm phát thải, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm của lãnh đạo hợp tác xã 63 tỉnh thành, nhiều chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp sản xuất, ứng dụng trong ngành nông nghiệp.
Thông qua diễn đàn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kỳ vọng có ít nhất 3 hợp tác xã trong nước lọt top 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu. Để đạt mục tiêu đó, điều tiên quyết là phải phát triển các hợp tác xã mạnh về chất và lượng, gắn hoạt động với chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Được biết, hiện nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi các sản phẩm nông nghiệp phải đạt chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đây cũng là đòi hỏi đối với chính các hợp tác xã. Đi liền với đó là yêu cầu phát triển xanh, phát thải thấp cũng là bài toán đặt ra với hợp tác xã.
Cùng với đó, hợp tác xã cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nông nghiệp hữu cơ và chuỗi giá trị.
![]() |
Diễn đàn là nơi các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu |
Do đó, yếu tố tiên quyết là hợp tác xã cần phải nâng cao cả chất và lượng để phát triển theo hướng xanh, bền vững. Các hợp tác xã cần mạnh dạn vượt qua rào cản, đổi mới tư duy và chủ động, sáng tạo, không trông chờ vào hỗ trợ Nhà nước. Các chính sách mới được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực cho khu vực kinh tế tập thể thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với định hướng phát triển nhanh, bền vững mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã đề ra.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, hiện nay, phát triển kinh tế xanh là mục tiêu hàng đầu; trong đó có sử dụng tài nguyên (đất, nước, nguyên liệu…) hiệu quả và bền vững; tiếp cận dịch vụ và tài nguyên; đầu tư xanh, thương mại xanh, việc làm xanh và đổi mới xanh. Cùng với đó là nâng cao chất lượng môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Ông Lực cho hay, có 5 khu vực ưu tiên tăng trưởng xanh, đó là: nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững; chuyển đổi năng lượng sạch; áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn; gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả.
Cùng đó, để các hợp tác xã phát triển, tăng quy mô đóng góp vào nền kinh tế cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương và bản thân hợp tác xã. Đồng thời, đặt mục tiêu cho kinh tế tập thể và hợp tác xã đóng góp 4-5% GDP đến năm 2030.
Tại diễn dàn, đại diện các hợp tác xã cũng chia sẻ về các cách sản xuất xanh, cách tiếp cận nguồn hỗ trợ sản xuất xanh hay cách làm thương hiệu hiệu quả để các đối tác liên kết tiêu thụ biết và tìm đến mình.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển hợp tác xã bền vững, bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế ILO tại Việt Nam cho rằng, trên toàn cầu, các hợp tác xã luôn đi đầu về bảo vệ môi trường, sản xuất năng lượng sạch với giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, các hợp tác xã còn tạo việc làm có giá trị cho nông dân địa phương.
"Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển khu vực hợp tác xã, trong đó đối với chính sách bảo hiểm từ khi Luật Bảo hiểm xã hội được sửa đổi đã có tác động tích cực đến các hợp tác xã, đó là các hợp tác xã có đóng bảo hiểm cho người lao động. Tuy nhiên, tương lai cần phải có sự bảo vệ tốt hơn nữa, chẳng hạn khi xảy ra thiên tai, hợp tác xã sẽ được bảo vệ tốt hơn về tài sản, con người, bảo vệ phúc lợi xã hội cho các thành viên hợp tác xã", bà Ingrid Christense bày tỏ.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến hết tháng 12/2024, cả nước có 23.556 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 67,8% tổng số hợp tác xã cả nước. Các hợp tác xã ngày càng đóng vai trò trung tâm trong xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn. Có 2.500 hợp tác xã nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, 4.339 hợp tác xã bao tiêu nông sản, 2.169 hợp tác xã có sản phẩm OCOP và khoảng 1.500 hợp tác xã tham gia du lịch nông nghiệp. |