"Xanh hóa" ngành nông nghiệp
Trước đây, sản xuất nông nghiệp tại Hải Hậu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, năng suất và chất lượng còn hạn chế. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho người dân, đẩy mạnh cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Các mô hình như nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hay ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc,... đã được triển khai hiệu quả tại nhiều hợp tác xã (HTX) như HTX Nông nghiệp Hải An, HTX rau củ quả Hải Chính, HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Trung, HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng, Chế biến Thủy sản An Hòa…
Những thay đổi này giúp Hải Hậu có hiệu suất nuôi trồng cao, giá trị vượt trội, hướng tới xuất khẩu nguồn nông sản sạch ra quốc tế.
Tính đến nay, toàn huyện Hải Hậu có khoảng 50 HTX cùng hàng chục tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Trong những năm qua, huyện Hải Hậu đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc phát triển các HTX, tổ hợp tác, đặc biệt là việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên.
![]() |
Áp dụng công nghệ vào mô hình nuôi ốc hương, người dân xã An Hòa, Hải Hậu đã có thu nhập tốt hơn, đều hơn (Ảnh: VCA) |
Cụ thể, HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng, Chế biến Thủy sản An Hòa (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu) xác định ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại là then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nhà nông.
HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống ao nuôi theo mô hình tuần hoàn nước khép kín, sử dụng công nghệ lọc sinh học và điều tiết môi trường thông minh nhằm kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào, hạn chế dịch bệnh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Sản phẩm chủ lực của HTX là ốc hương An Hòa được nuôi theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2024, mở ra cơ hội mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Không chỉ dừng lại ở khâu nuôi trồng, HTX còn đầu tư vào dây chuyền chế biến và bảo quản thủy sản hiện đại, giúp kéo dài thời gian bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Quy trình sản xuất được số hóa từ khâu quản lý giống, theo dõi tăng trưởng đến truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Nhờ đổi mới công nghệ và tư duy quản trị, thu nhập bình quân của các thành viên HTX An Hòa tăng rõ rệt qua từng năm. HTX cũng tích cực hỗ trợ các hộ liên kết trong khu vực tiếp cận kỹ thuật mới, chia sẻ mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp bền vững ở địa phương.
Một đơn vị điển hình khác là HTX Dược liệu Hải Hậu ACT, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, HTX đã thu được những thành tựu đáng kể. HTX đã trồng và chế biến cây dược liệu như dây thìa canh và cà gai leo theo tiêu chuẩn GACP-WHO, tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, và lao động mùa vụ lên đến 30-40 người với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Các sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao từ năm 2020.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định, có được những thành quả trên nhờ chỉ đạo đúng hướng của các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện, đặc biệt là vai trò kết nối, đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Nam Định.
Thúc đẩy chuỗi liên kết chủ lực
Ông Long thông tin, giai đoạn 2020-2025, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn thách thức như dịch bệnh, thiên tai, bất ổn địa chính trị trên thế giới, nhưng Liên minh HTX tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam và phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành triển khai công việc phù hợp với từng giai đoạn, tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ, hội viên, thành viên; giúp các HTX điều chỉnh quy mô sản xuất, phát huy lợi thế, tranh thủ thời cơ huy động vốn đầu tư, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.
Tại tỉnh Nam Định, thời gian qua, kinh tế tập thể, HTX tỉnh Nam Định phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng, trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, môi trường,... với 553 HTX và quỹ TDND; 1.995 THT thu hút trên 314 nghìn thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho gần 5000 lao động,...
Qua các cuộc tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm đã giúp các đơn vị có thêm thông tin, mở rộng thị trường, liên doanh, liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Liên minh HTX tỉnh cũng kịp thời nắm bắt nhu cầu của HTX, trên cơ sở đó phối hợp khai thác, tranh thủ nguồn lực từ Liên minh HTX Việt Nam, Quỹ Khuyến công quốc gia giới thiệu, đề xuất hỗ trợ đầu tư công nghệ, máy móc trang thiết bị, tem, nhãn, bao bì, thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, những chính sách hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Nam Định đang góp phần thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng mô hình HTX xanh, hình thành các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện.
Ví dụ như việc xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng tại xã Hải An. HTX này đã phát triển chuỗi giá trị gạo đặc sản "Tám xoan bao tử", góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho thành viên.
Thông qua các hội nghị, hội thảo, xây dựng và tham quan các mô hình sản xuất tiên tiến ở các tỉnh thành, Liên minh HTX Việt Nam đã giúp Liên minh HTX các tỉnh thúc đẩy cơ hội liên kết, hợp tác giữa nhà nông với doanh nghiệp, thúc đẩy chuỗi sản xuất nông sản tiên tiến, nâng cao chất lượng sống của nhà nông, khẳng định vị thế trong nước, tiến tới hội nhập quốc tế.