Một miếng dán siêu âm đeo được gắn vào áo ngực có thể giúp phát hiện ung thư vú nhanh hơn ở những phụ nữ có nguy cơ mắc cao. Chỉ chưa đầy 5 phút sử dụng, nó có thể phát hiện các khối u bị bỏ sót khi chụp x-quang tuyến vú.
Đối với phụ nữ có nguy cơ mắc các khối u phát triển chậm, việc chụp siêu âm thêm các lớp giữa các lần chụp x-quang tuyến vú là không cần thiết. Nhưng những phụ nữ có nguy cơ cao phát triển ung thư vú ác tính có thể được hưởng lợi từ việc quét siêu âm bổ sung, an toàn hơn, không có bức xạ và họ có thể thực hiện tại nhà.
Các nhà khoa học đã tạo ra một miếng dán hình tổ ong được đeo bên ngoài áo ngực thể thao – mỗi một miếng dán 6 lỗ từ tính để lộ ra những vùng quan trọng của ngực. Miếng dán dễ dàng gắn vào vị trí trên áo ngực và được cố định bằng nam châm. Tiếp theo đó, một thiết bị siêu âm, cũng có nam châm, có thể lần lượt được gắn vào vị trí trên từng lỗ.
Thiết bị có thể xoay tối đa góc 30 độ, người dùng có thể kiểm soát được góc quay nhờ nam châm gắn trên thiết bị. Qua đó cung cấp 6 đầu đọc dữ liệu, trong nghiên cứu mới nhất cho biết mỗi đầu đọc có thể gửi tín hiệu sóng siêu âm xuyên qua vú với khoảng cách 80 mm.
Thử nghiệm trên một phụ nữ 71 tuổi, có tiền sử bất thường ở vú, nó có thể phát hiện các u nang có đường kính nhỏ 0,3 cm, bằng kích thước của một khối u giai đoạn đầu.
Tiến sĩ Canan Dagdeviren, tác giả chính của nghiên cứu từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT cho biết ông nảy ra ý tưởng này khi dì Fatma Caliskanoglu của ông được chẩn đoán mắc bệnh muộn, giai đoạn ung thư vú ở tuổi 49, mặc dù đã chụp x-quang tuyến vú thường xuyên.
“Cô ấy qua đời sáu tháng sau đó và chúng tôi đã phác thảo ý tưởng cho miếng dán này trong bệnh viện trong 12 ngày cuối đời của cô ấy. Bây giờ nó đã trở thành hiện thực và nó mang ý nghĩa cá nhân sâu sắc đối với tôi, bởi vì tôi muốn giúp cứu sống cuộc đời của nhiều phụ nữ không may mắn”.
Miếng dán hình tổ ong, với sáu lỗ được định vị chính xác, đảm bảo mọi hình ảnh đều chụp được các vùng cụ thể của mỗi bên vú.
Thiết bị phát sóng siêu âm cầm tay được sử dụng phía trên miếng dán truyền một dòng điện được các tinh thể đặc biệt chuyển đổi thành sóng âm thâm nhập vào bên trong mô vú. Khi sóng siêu âm chạm đến u nang hoặc khối u, những khối này sẽ hiển thị trên hình ảnh siêu âm.
Mẫu sản phẩm hiện tại đi kèm với một dây cáp và bảng mạch, vì vậy cần phải được cắm trong môi trường y tế, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ sản xuất được thiết bị không dây và có thể thử nghiệm trên hàng trăm phụ nữ khác.
Ở thời điểm hiện tại, để xem được ảnh chụp siêu âm, máy quét phải được kết nối với bộ xử lý hình ảnh, giống như bộ xử lý được sử dụng trong bệnh viện, nhưng các nhà nghiên cứu đang nỗ lực làm việc để phát triển một màn hình thu nhỏ có kích thước bằng điện thoại thông minh để xem kết quả quét.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí uy tín Science Advances, cho thấy mẫu thiết bị đã hoạt động tốt như một thiết bị siêu âm cầm tay hiện đang được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện khi cùng được thử nghiệm trên một bệnh nhân. Nhóm nghiên cứu sẽ còn phải tiến hành nhiều thử nghiệm khác để thu thập được nhiều bộ dữ liệu hơn vào đầu năm tới.
Thiết bị có thể tái sử dụng nhiều lần, hiện có giá khoảng 1.000 đô la (khoảng 23 triệu VND), nhưng chi phí cho mỗi lần quét chỉ rơi vào khoảng 3 đô la, Tiến sĩ Dagdeviren nói: “Chúng tôi muốn một người phụ nữ có thể quét ngực của mình trong khi cô ấy uống cà phê buổi sáng, mỗi tháng nếu cô ấy thích, giữa các lần chụp x-quang tuyến vú định kỳ ở cơ sở y tế, để đảm bảo theo dõi quá trình phát triển của khối u hoặc tầm soát bệnh sớm.”
Catherine Ricciardi, y tá trưởng tại Trung tâm nghiên cứu lâm sàng và dịch thuật của MIT, đồng thời là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Là một y tá, tôi đã chứng kiến những hệ quả không tốt của sự chậm trễ trong chẩn đoán. Công nghệ này hứa hẹn sẽ phá vỡ nhiều rào cản trong việc phát hiện ung thư vú sớm bằng cách cung cấp chẩn đoán đáng tin cậy, thoải mái và ít ảnh hưởng sức khỏe hơn khi phải chụp x-quang quá nhiều lần.”
Khang Le (Theo Daily Mail)