Ngân hàng ACB hút về gần 18.000 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm Ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 Ngân hàng ACB lãi hơn 12.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% |
BCTC hợp nhất quý IV/2024 vừa công bố cho thấy, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB) lãi trước thuế năm 2024 gần 21.006 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt gần 16.789 tỷ đồng cũng tăng trưởng 5%.
Trong đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 11,4%, đạt 27.795 tỷ đồng nhờ tăng trưởng quy mô tín dụng trong khi thu nhập từ phí dịch vụ tăng nhờ đa dạng các nguồn thu phí.
Các nguồn thu ngoài lãi tăng so với năm 2023 như: Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 3.239 tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2023; Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 5% đạt 1.171 tỷ đồng; lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tăng 19% đạt 200 tỷ đồng.
Ngược lại, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm đến 83% xuống còn 450 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm gần 28% xuống còn 623 tỷ đồng; lãi thuần từ góp vốn, mua cổ phần giảm 52% còn 36 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2024 tại ACB. |
Kết quả, tổng thu nhập hoạt động tăng nhẹ 2% đạt 33.515 tỷ đồng. Chi phí hoạt động được tiết giảm ở mức 10.903 tỷ đồng. Do đó, năm 2024, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 3,4% đạt 22.612 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2024, ngân hàng ACB giảm 11% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, xuống còn 1.606 tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả trên, ngân hàng ACB hoàn thành được gần 95,5% kế hoạch lợi nhuận được Đại hội đồng cổ đông giao trước đó (22.000 tỷ đồng).
Riêng quý IV/2024, ngân hàng ACB thu được hơn 7.080 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong quý, ngân hàng ACB giảm 54% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích gần 148 tỷ đồng. Kết quả, lãi trước thuế tại ACB hơn 5.671 tỷ đồng, tăng 12%.
Tổng tài sản hơn 860.000 tỷ đồng
Tính đến thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của ACB ở mức 864.006 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt giảm 18% so với đầu năm, còn 5.696 tỷ đồng; tiền gửi tại NHNN tăng 36% đạt 25.219 tỷ đồng. Đặc biệt, cho vay khách hàng tăng trưởng 19% đạt hơn 580.686 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của ACB ở mức 780.544 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, phần lớn tới từ 537.304 tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 11% so với đầu năm và hơn 111.591 tỷ đồng tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác, tăng 25%.
Tổng quy mô huy động của ACB trong năm 2024 gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 639.000 tỷ đồng, tăng 19%.
Đáng chú ý, chất lượng tài sản tại ACB trong năm 2024 không mấy sáng sủa khi số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) tính đến 31/12/2024 tăng 47% so với đầu năm, lên mức 8.650 tỷ đồng.
Trong đó, nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng hơn 73% so với đầu năm, từ 3.898 tỷ lên 6.748 tỷ đồng, chiếm tới 78% tổng nợ xấu của ngân hàng. Trong khi đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) giảm nhẹ 2% ghi nhận 923 tỷ đồng và nợ nghi ngờ giảm 7% còn 978 tỷ đồng.
Kết quả, tỷ lệ nợ xấu tại ACB tăng nhẹ từ mức 1,22% đầu năm lên 1,51%.
Chi tiết các nhóm nợ tại ACB (Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2024) |
Năm 2024, Fitch Ratings đã nâng triển vọng của ACB từ “Ổn định” lên “Tích cực”. Bên cạnh đó, Moody’s và tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập FiinRatings cũng ghi nhận năng lực sinh lời ổn định và chiến lược quản trị rủi ro thận trọng của ACB với mức xếp hạng cao nhất trong các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam.