Hội thảo khoa học quốc tế về “Môi trường và Kỹ thuật điện – Châu Á 2023 (EEE-AM)” do trường Đại học Điện Lực phối hợp Hội Kỹ sư Điện và Điện tử tại Việt Nam (IEEE), Hiệp Hội Ứng dụng công nghiệp (IEEE IAS) tổ chức sáng 13/11 tại Hà Nội.
Hội thảo mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất, những người làm trong ngành năng lượng và các nhà nghiên cứu cùng thảo luận về các chủ đề liên quan đến hệ thống năng lượng và các vấn đề môi trường, các nỗ lực quốc tế chuyên sâu nhằm giảm phác thải khí nhà kính, đưa ra các ý kiến nhằm đạt được các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là đa dạng hoá năng lượng tái tạo và phát triển bền vững. Hội thảo cũng góp phần định hướng cho các nhà quản lý hoàn thiện cơ chế chính sách về năng lượng, tạo cơ hội trao đổi giới thiệu, cập nhật những thông tin công nghệ mới, mở rộng hợp tác quốc tế lĩnh vực năng lượng nói chung và chuyển đổi năng lượng nói riêng.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Đinh Văn Châu – Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Điện Lực cho biết: Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch với tốc độ ngày càng nhanh. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Đông Nam Á. Việc đổi mới và phát triển công nghệ năng lượng tiên tiến trong tương lai chính là chìa khóa, là giải pháp cho những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt như vấn đề bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, giảm sự nóng lên toàn cầu, đặc biệt là an ninh năng lượng. Phát triển công nghệ năng lượng có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, là nền tảng hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Đinh Văn Châu phát triển bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường và là mục tiêu lâu dài là nhiệm vụ chiến lược không chỉ đối với Việt Nam mà còn thu hút sự quan tâm của toàn thể các quốc gia trên thế giới.
Xác định vai trò của trường đại học là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là nơi nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Trong thời gian qua, trường Đại học Điện lực đã khẳng định vai trò của mình thể hiện qua các kết quả nghiên cứu khoa học với hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về lĩnh vực năng lượng đã được công bố trên các tạp chí, hội nghị khoa học uy tín trong và ngoài nước. Đổi mới chương trình đào tạo cũng như các chương trình hoạt động xúc tiến hợp tác quốc tế.
Để chuyển dịch năng lượng thì khoa học công nghệ là giải pháp trọng tâm
GS.TS. Trần Hồng Thái – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, nhiên liệu hoá thạch đóng vai trò cung cấp năng lượng chính cho toàn thế giới trong suốt thế kỷ qua. Tuy nhiên, trước sức ép của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, việc chuyển dịch năng lượng để cắt giảm phát thải carbon trở thành xu hướng tất yếu tại Việt Nam và trên thế giới. Việt Nam đã từng bước chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm nhiên liệu hoá thạch. Cụ thể, đến năm 2030 tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp là 15-20% và khoảng 80-85% vào năm 2050.
Để góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng thì khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo luôn là giải pháp trọng tâm. Vì vậy, Thứ trưởng cho biết, tại chiến lược KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) đến năm 2030 đã đưa công nghệ năng lượng là một trong mười định hướng phát triển, ứng dụng trong thập kỷ tới. Đồng thời Bộ KH và CN đã phê duyệt chương trình KH và CN cấp quốc gia “nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” mã số KC.05/21-30 nhằm hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, lưới điện thông minh,… trong lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu KH, CN & ĐMST.
Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của trường Đại học Điện Lực đã tổ chức hội thảo có ý nghĩa góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng của quốc gia. Thứ trưởng cũng đề nghị tổng hợp các định hướng, phương hướng, kiến nghị để triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ lĩnh vực năng lượng trong thời gian tới. Khuyến khích các nhà khoa học, tổ chức và doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng tiếp tục tham gia nghiên cứu KH và CN, lĩnh vực năng lượng thông qua các Chương trình KC.05/21-30 nhằm phát triển ngành năng lượng Việt Nam nói riêng và góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hiện đại hóa đất nước nói chung.
Đỗ Phương
Hội thảo “Môi trường và Kỹ thuật điện – Châu Á 2023” diễn ra trong 3 ngày với các chủ đề: Chính sách năng lượng, thị trường điện và các quy định, tiêu chuẩn; Năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ; Hệ thống điện và Lưới điện thông minh; Hệ thống tích hợp các nguồn năng lượng; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Tòa nhà thông minh và thành phố thông minh; Mạch điện, cảm biến và cơ cấu chấp hành; Vật liệu và công nghệ Nano trong kỹ thuật năng lượng; Bảo vệ môi trường; Điện tử công suất và kết cấu điện tử; Phương tiện giao thông điện; Bảo trì, vận hành, an toàn và chuẩn đoán trong hệ thống điện; Đo lường, điều khiển và tự động hóa; Giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực năng lượng…