Sáng 20/6, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công thương, Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và Công ty RX Tradex Việt Nam tổ chức họp báo và ký thỏa thuận hợp tác công bố “Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 10” và “Triển lãm công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp lần thứ 14” (VME & SIE).
Ông Vũ Trọng Tài – Tổng Giám đốc Rx Tradex Việt Nam chia sẻ: Năm 2023 đánh dấu giai đoạn “bình thường mới” của nền kinh tế với chính sách tiền tệ từ các nước phát triển và áp lực tăng trưởng sau đại dịch đã thúc đẩy tiến trình tăng cường hoạt động kinh doanh và tối ưu hóa nguồn lực của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Việt Nam hiện nay cần khai thác hiệu quả hơn nữa khu vực dịch vụ đa dạng để duy trì tăng trưởng năng suất bền vững. Điều đó bao hàm phải thực hiện những cải cách nhằm nâng cao năng suất khu vực dịch vụ và đóng góp liên ngành để phục vụ tăng trưởng năng suất trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến và nông nghiệp. Với việc tổ chức triển lãm quốc tế sẽ mang đến “triển lãm kép” như một cơ hội gặp gỡ, hỗ trợ liên kết giữa các nhà sản xuất phụ tùng, các công ty trong ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và các lĩnh vực sản xuất có liên quan.
Ông Vũ Trọng Tài cũng cho biết đến với triển lãm VME&SIE 2023 các doanh nghiệp tham gia bao gồm các nhà trưng bày, khách thăm quan có cơ hội gặp gỡ các đối tác tiềm năng, tiếp cận các hoạt động hỗ trợ kinh doanh giữa bên mua và bên bán, các chương trình trình diễn công nghệ thực tế từ các nhãn hàng đồng hành cũng như tham gia chuỗi hội thảo đào tạo về chuyên ngành cho kỹ sư và chuyên ngành đào tạo lãnh đạo cho các cấp quản lý trong doanh nghiệp.
Triển lãm năm nay đặc biệt có sự xuất hiện hai khu gian hàng của hai lĩnh vực mới là mối nối công nghiệp và quy trình xử lý hậu cần Vimat, ông Vũ Trọng Tài nhấn mạnh.
Ông Takeo Nakajima – Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) nhận định: Trong thập kỷ qua (2013 – 2022), giá trị thương mại của Nhật Bản với Việt Nam đã tăng gần gấp đôi. Đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam năm 2022 tăng 12% so với năm trước với trị giá lên đến 4,559 triệu đô la Mỹ. Đối với Việt Nam, Nhật Bản là đối tác rất quan trọng.
Triển lãm thu mua nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản năm nay được tổ chức với khu vực gian hàng SIE có 22 doanh nghiệp trưng bày của Nhật Bản mong muốn được mua hàng từ các nhà sản xuất địa phương Việt Nam. Đối với các đơn vị trưng bày của Việt Nam, sẽ có 28 doanh nghiệp tham gia với sự hợp tác của đơn vị đồng tổ chức Vietrade (Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam) và các cơ quan khác như IDC (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) và Vasi (Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam). Các doanh nghiệp tham gia là những nhà sản xuất tiềm năng trong ngành công nghiệp hỗ trợ, sẽ tham gia trưng bày sản phẩm và giới thiệu năng lực cung ứng của doanh nghiệp mình tại triển lãm.
Ông Takeo Nakajima cũng cho biết thêm trong 5 năm trở lại đây có tới 171 doanh nghiệp Việt Nam và 133 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia với tổng số các thương vụ kết nối giao thương lên tới hơn 8 nghìn thương vụ. Ông Takeo Nakajima hy vọng qua triển lãm và kết nối cung cầu lần này chúng ta có nhiều hơn nữa các thành công của các đơn vị tham gia.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương, ông Vũ Bá Phú cho biết: Trong những năm qua ngành công nghiệp hỗ trợ đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế và ngành công nghiệp đất nước. Doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lướng sản phẩm, cải tiến công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng các nhu cầu khắt khe của thị trường. Tuy nhiên, với sự thay đổi của thị trường ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhiều thách thức cần phải đối mặt. Theo đó, Bộ Công thương đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản trị cho doanh nghiệp. Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những hiệu quả rõ nét. Việt Nam hiện đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến – chế tạo. Ông Vũ Bá Phú hy vọng thông qua hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại kết nối các doanh nghiệp, việc tổ chức triển lãm có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành tăng cường năng lực sản xuất, kết nối với các đối tác Nhật Bản.
Đỗ Phương
Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 10 và Triển lãm công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp lần thứ 14 sắp diễn ra vào ngày 9 – 11 tháng 8 tại Trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội với sự góp mặt của hơn 200 đơn vị triển lãm là các nhà sản xuất, phân phối kinh doanh, các hãng chế tạo công nghệ và máy móc đến từ 20 quốc gia, nhiều hoạt động được tổ chức xuyên suốt 3 ngày triển lãm để hỗ trợ các doanh nghiệp và khách tham quan trong côn tác kết nối cùng các đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh.