Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards đã trải qua chặng đường 6 năm với những thành công rực rỡ khi tiếp cận hơn 16.000 lượt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên 63 tỉnh, thành phố; thu hút gần 1.800 hồ sơ tham dự; vinh danh gần 400 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc và các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu.
2024 là năm thứ 7 Giải thưởng được tổ chức. Sau một giai đoạn phát triển, dường như đây là thời điểm đánh giá lại chặng đường đã qua và nghiên cứu những thay đổi trong thời gian sắp tới. VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam trong 3 năm liên tiếp từ 2021 đến 2023.
- Theo ông, thực trạng chuyển đổi số của Việt Nam trong những năm gần đây có gì khác với giai đoạn Covid-19 không?
TS. Nguyễn Quân: Thực hiện theo Chương trình quốc gia về chuyển đổi số của Chính phủ, trong những năm vừa qua, tất cả các Bộ ngành, địa phương của Việt Nam đã có chuyển biến rất mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số.
Trong giai đoạn đại dịch Covid, chuyển đổi số có tác dụng rất kịp thời, vừa chống dịch vừa thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Giai đoạn đó tất cả các các bộ ngành, địa phương đều tích cực làm chuyển đổi số, đặc biệt là tổ chức các hoạt động online trên môi trường số.
Sau khi đại dịch Covid kết thúc, có nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế xã hội, vì thế thuật ngữ chuyển đổi số không còn hiện diện nhiều như giai đoạn trước đó. Đến thời điểm này chúng ta lại đang quan tâm đến một số lĩnh vực mới nổi khác như điện tử, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, hồn cốt của tất cả những hoạt động đó vẫn thuộc phạm vi của chuyển đổi số. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vẫn có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Nó đã được lồng ghép trong tất cả các hoạt động khác của kinh tế - xã hội như phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo hoặc các nền tảng công nghệ số hiện nay đang rất thịnh hành.
- Là người tham gia Hội đồng chung khảo của Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam trong 3 năm liên tiếp, ông nhận thấy các đơn vị và sản phẩm tham gia giải thưởng có sự thay đổi ra sao qua mỗi năm?
TS. Nguyễn Quân: Qua theo dõi Giải thưởng hàng năm, tôi thấy đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong quá trình bình chọn trao giải thưởng. Thời gian đầu Giải thưởng chủ yếu vinh danh những điển hình chuyển đổi số trong xây dựng cơ chế, chính sách, chuẩn bị hạ tầng và nguồn nhân lực.
Trong những năm gần đây, chuyển đổi số ở các tổ chức, doanh nghiệp được vinh danh đã đi vào những sản phẩm rất cụ thể. Đó là những nền tảng công nghệ số mới, các sản phẩm chuyển đổi số trong Chính phủ điện tử, trong sản xuất công nghiệp, trong dịch vụ. Các đơn vị tham gia giải thưởng cũng như các đơn vị được vinh danh đều có những sản phẩm được ứng dụng trong thực tiễn, được dư luận xã hội đánh giá rất cao và chính phủ ghi nhận.
- Chủ đề của Giải thưởng Chuyển đổi số năm 2024 là “Thúc đẩy phát triển kinh tế số”. Ông thấy chủ đề năm nay như thế nào?
TS. Nguyễn Quân: Chủ đề này phù hợp với nhiệm vụ mà Chính phủ đặt ra, với mục tiêu là đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP quốc gia và đến năm 2030 là 30% GDP. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, chúng ta phải rất nỗ lực thì mới có thể đạt được mục tiêu đó.
Nếu chúng ta tập trung các nguồn lực cũng như thúc đẩy các địa phương, bộ, ngành, các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thì mới có thể thực hiện được mục tiêu Chính phủ đã đặt ra.
- Giải thưởng Chuyển đổi số hàng năm vinh danh đồng hạng các đơn vị. Có một số ý kiến cho rằng Giải thưởng nên nên vinh danh các đơn vị theo thứ tự một, hai, ba. Ông nhận xét gì về ý kiến này?
TS. Nguyễn Quân: Những năm đầu tổ chức Giải thưởng, tôi ủng hộ quan điểm là nên vinh danh đồng hạng, tại vì lúc đó tất cả đều ở giai đoạn khởi đầu. Mặc dù lúc đó đã có một số đơn vị tiên phong, nhưng để khuyến khích việc chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị thì nên vinh danh đồng hạng.
Những năm tới, Ban tổ chức có thể thay đổi quy chế để có thể vinh danh những đơn vị chuyển đổi số thành công theo thứ hạng nhất, nhì, ba. Nhưng Ban tổ chức cũng có thể đặt ra một giải thưởng 5 sao cho các đơn vị xuất sắc, một giải thưởng cho các đơn vị tiên phong chuyển đổi số và một giải thưởng mang tính khuyến khích.
- Những năm qua, các đơn vị đạt giải thưởng đều rất vui và cảm thấy được khích lệ để ra mắt thêm những sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số mới. Ông có gợi ý gì thêm cho Giải thưởng Chuyển đổi số trong những năm tiếp theo?
TS. Nguyễn Quân: Tôi nghĩ tác dụng ban đầu của Giải thưởng là để khuyến khích và thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số. Nhưng Ban tổ chức nên có một số giải pháp đồng bộ để hỗ trợ cho các đơn vị chuyển đổi số thành công.
Ví dụ như hoạt động truyền thông để giới thiệu những điển hình tiên tiến trong lĩnh vực chuyển đổi số, hoạt động tiếp thị hoặc những biện pháp thúc đẩy phát triển thị trường để những sản phẩm của các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công được phát triển với tốc độ nhanh hơn, lan tỏa trong xã hội. Hoạt động truyền thông và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kết quả phát triển sản phẩm đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Nếu Giải thưởng chỉ vinh danh mà không hỗ trợ các đơn vị để họ có thể đưa sản phẩm ra thị trường cũng như thúc đẩy tỷ lệ về kinh tế số, thì có thể nói Giải thưởng chưa phát huy hết tác động của mình. Vì thế, tôi đề nghị Ban tổ chức xem xét, đi kèm với việc tổ chức bình chọn, vinh danh các đơn vị, nên có những đơn vị, giải pháp được hỗ trợ về truyền thông cũng như thương mại hóa sản phẩm, để tạo nên một làn sóng mới cho chuyển đổi số.
- Xin cám ơn ông!