Kinh tế Nông nghiệp vẫn là thành phần chủ lực tại Việt Nam. Những năm gần đây Nông nghiệp Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc nhưng chủ yếu vẫn nhờ vào các “ông lớn” tham gia vào thị trường này. Có một mảng “yếu thế” hơn là nông nghiệp của các doanh nghiệp địa phương. Họ chưa có điều kiện đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm của mình. Câu chuyện đầu xuân năm mới với PGS.TS. Bùi Quốc Khánh – Tổng Thư ký VAA, Trưởng Ban Khoa học công nghệ (KHCN) của VAA cho thấy đây là trăn trở của những nhà khoa học gắn bó với Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) trong nhiều năm qua.
TĐHNN: Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) đang bước vào giai đoạn đầu của nhiệm kỳ V, vừa là Tổng thư ký, vừa là Trưởng Ban Khoa học Công nghệ (KHCN) của VAA ông có đặt mục tiêu như thế nào cho hoạt động KHCN trong nhiệm kỳ này?
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh: Hoạt động KHCN luôn luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Hội Tự động hóa Việt Nam. Công nghệ Tự động hóa nằm trong tất cả các lĩnh vực của kinh tế và xã hội (KT – XH), vì vậy nhiệm vụ của Ban KHCN đều căn cứ từ tình hình KT – XH hội cũng như chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn 2021 – 2025 phát triển KT – XH nước ta có nhiều thuận lợi và thách thức.
Nền kinh tế nước nhà trong năm 2020 có thể nói đã vượt qua khó khăn đại dịch Covid -19, có sự tăng trưởng ấn tượng. Điều này đã nâng tầm vai trò, vị trí của nước ta trên trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định kinh tế mới bắt đầu có hiệu lực như EVFTA, CPTPP,… Đây là cơ hội lớn cho sự phát triển KT – XH của Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đều nhận thức được, khi thực thi các Hiệp định này, nếu không đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh sẽ không thể cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Chương trình chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ là nền tảng của sự nghiệp hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội. Chương trình này bao trùm tất cả các lĩnh vực trong nền KT – XH nước nhà. Lực lượng KHCN nước nhà là nguồn nhân lực chính triển khai nhiệm vụ này.
Trong bối cảnh như vậy, là một hội chuyên ngành về Tự động hóa, VAA đặt mục tiêu quy tụ được lực lượng hội viên là các nhà khoa học, chuyên gia, các hội viên tập thể là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công, nông nghiệp cũng như dịch vụ công nghệ, các trường viện để cùng nhau giải quyết các bài toán công nghệ cụ thể, mang lại hiệu quả KT- XH.
Mục tiêu cụ thể là nhìn nhận được tổng thể về năng lực KHCN của các thành viên của Hội để kết nối hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (SXKD). Trong cơ sở dữ liệu KHCN sẽ phát hiện được các thành tựu nghiên cứu để triển khai vào thực tế sản xuất. Đây cũng là một trong nhiệm vụ trong chương trình chuyển đổi số Quốc gia.
TĐHNN: Vậy Ban KHCN sẽ đặt ra các kế hoạch hoạt động cụ thể như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh: Ban sẽ thực hiện các nhiệm vụ rất cụ thể:
TĐHNN: Trước mắt VCCA 2021 là một hoạt động KHCN lớn của VAA trong năm nay, ông có thể nói đôi điều về kế hoạch tổ chức VCCA 2021?
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh: Hội nghị Khoa hoc và Triển lãm Quốc tế lần thứ VI về Điều khiển và Tự động hóa (VCCA 2021) sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến vào tháng 11/2021. Hội nghị có chủ đề: “Điều khiển – Tự động hóa trong Chương trình chuyển đố số Quốc gia, Thông minh – Sáng tạo”. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đăng cai đồng tổ chức. Lãnh đạo Hội đã Thành lập Ban tổ chức Hội nghị và Ban Chương trình Hội nghị. Đầu tháng 01/2021, Ban Tổ chức và Ban Chương trình VCCA 2021 đã khởi động một số nội dung cần thiết.
Đặc biệt Hội nghị lần này có hai hướng ưu tiên: Tăng cường số lượng các nhà khoa học trẻ tham gia và đẩy mạnh yếu tố quốc tế. Để thực hiện nhiệm vụ này Ban Tổ chức, Ban Chương trình cũng sẽ có một số đổi mới và chủ động trong khâu thực hiện.
TĐHNN: Ông là người luôn ấp ủ thực hiện hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương tại Việt Nam. Ông có thể cho biết vì sao lại chọn các doanh nghiệp này để triển khai?
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh: Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở các địa phương hiện nay sử dụng phần lớn lực lượng lao động địa phương và chiếm tỷ trọng cao lực lượng lao động của nước ta, có đóng góp đáng kể vào GDP cả nước. Tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp này sử dụng thiết bị và công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp nên giá trị gia tăng không cao, đồng thời lực lượng cán bộ kỹ thuật lại thiếu hụt.
TĐHNN: Vậy ông kỳ vọng gì ở hoạt động này?
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh: Chúng tôi kỳ vọng qua hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ sẽ góp phần hiện đại hóa cho các doanh nghiệp để nâng giá trị gia tăng trong sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống cho lực lượng lao động sản xuất trong khối doanh nghiệp này. Ngoài ra cũng có thể khơi dậy tiềm năng kinh tế của địa phương bằng việc đổi mới công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
TĐHNN: Đây là một hoạt động lâu dài bền bỉ, theo ông trước mắt VAA sẽ thực hiện những nội dung nào?
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh: Trước hết để biết mình có thể làm gì được cho địa phương, Ban KHCN sẽ phải kết nối, tìm hiểu nhu cầu, tiềm năng. Khi biết các doanh nghiệp địa phương cần tháo gỡ vướng mắc gì, thấy tiềm năng gì ở họ các chuyên gia, nhà khoa học của hội mới có thể đề xuất, tư vấn, lựa chọn giải pháp công nghệ nào là phù hợp. Ban KHCN phải thực hiện các bước xây dựng cơ sở dữ liệu vùng, tiến tới làm điểm ở một số địa phương từ đó lan tỏa hoạt động.
Ngoài ra, Ban cũng sẽ triển khai các hoạt động như mở cổng thông tin trong trang Web của Hội để kết nối; thực hiện các khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng chuyên môn; thực hiện các buổi hội thảo nhỏ, chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ cho doanh nghiệp;…
Trong nhiệm kỳ này, Ban KHCN sẽ tập trung vào nhóm các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, về tự động hóa trong công nghệ canh tác, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch,…
TĐHNN: Vì sao Ban KHCN ưu tiên lựa chọn mảng nông nghiệp, thưa ông?
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh: Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về quy mô xuất khẩu nông sản. Trong những năm gần đây nền sản xuất nông nghiệp nước ta đã đạt nhiều thành tựu. Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn tăng trưởng, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 quý vừa qua đạt hơn 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo cả năm, toàn ngành nông nghiệp sẽ đem về 41 tỷ USD từ xuất khẩu. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu không cao bằng các mặt hàng công nghiệp, nhưng tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu nông nghiệp lại cao hơn rất nhiều, tỷ lệ nguồn thu cho người lao động trực tiếp và nhà nước cao hơn. Điều này không những góp phần giảm được hộ nghèo mà còn tăng các các hộ nông dân khá giả. Vì vây nếu đẩy mạnh hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần đáng kể vào phát triển KT-XH nước nhà.
Nhưng nhìn vào thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như: Sản xuất nhiều nơi còn phân tán, sản xuất sản phẩm không được định hướng theo thị trường, giống cây trồng chưa được chọn lọc phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, công nghệ canh tác, chế biến bảo quản sau thu hoạch chưa được hiện đại hóa,… Điều này ảnh hưởng tới chất lượng năng suất cũng như giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nông nghiệp Việt Nam cần ứng dụng KHCN để hiện đại hóa nền sản xuất nhằm xây dung thương hiệu sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu ở các thị trường yêu cầu cao: Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, có truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cao vượt trội, giá cả cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các nước bạn, sản lượng phải đáp ứng theo yêu cầu thị trường. Tất cả các yêu cầu trên đều có yêu cầu liên quan tới lĩnh vực tự động hóa các quá trình công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đây là lý do hoạt động KHCN của Hội Tự động hóa cần định hướng trong nhiệm kỳ này.
TĐHNN: Hẳn là Ban KHCN sẽ cần sự hưởng ứng của nhiều hội viên cá nhân và tập thể để thực hiện mục tiêu đề ra?
PGS.TS. Bùi Quốc Khánh: Chúng ta cũng phải hiểu rằng Ban KHCN của Hội Tự động hóa Việt Nam không phải là lực lượng trực tiếp thực hiện những vấn đề trên, mà có nhiệm vụ định hướng về tổ chức. Để ý tưởng và định hướng của Ban KHCN có thể thành công phụ thuộc rất nhiều vào các hội viên và các đơn vị thành viên của Hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng tham gia vào các hoạt động KHCN của Hội sẽ mang lại hiệu quả cho tất cả các bên, đặc biệt mang lại lại hiệu quả kinh tế cho nước nhà. Tôi hy vọng định hướng hoạt động KHCN của Hội trong nhiệm kỳ này sẽ được sự ủng hộ của các hội viên và các đơn vị thành viên của Hội.
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên!
Minh Phúc