Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Dòng vốn đầu tư nước ngoài hiện nay có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực như: công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, kinh tế số, năng lượng sạch,…
Sáng ngày 15/5, tại Hà Nội, Báo Đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức hội thảo: Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng. Thông tin tại hội thảo khẳng định tầm quan trọng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam sau 35 năm. Hội thảo cũng chỉ ra những thách thức trong thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hơn trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng biên tập Báo Đầu tư, ông Lê Trọng Minh cho biết, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể của môi trường kinh doanh đầu tư toàn cầu dưới tác động của những yếu tố địa chính trị phức tạp, những thách thức đa phương như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19,… đã làm ảnh hưởng đến đà phục hồi mà còn thúc đẩy sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài dễn ra nhanh, mạnh mẽ hơn trên thế giới.
Trong đó, có thể kể đến sự chững lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian gần đây, dù Việt Nam vẫn được nhìn nhận như một điểm đến đầu tư rất hấp dẫn và đầy tiềm năng.
Theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) về vốn đầu tư toàn cầu, cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo suy giảm trong năm 2023 trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau Covid-19 tăng cao.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch;…
Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đánh giá tích cực về những đóng góp của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Samsung, ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng: Đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008 với nhà máy đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh, đến nay Samsung đã hiện diện tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam như: Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh. Tính đến năm 2022, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam 20 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho khoảng 300.000 người lao động, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, 50% điện thoại của Tập đoàn Samsung xuất khẩu ra thế giới được sản xuất tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, qua tiếp xúc với những hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Cụ thể, khảo sát của JETRO (Nhật Bản) mới đây cho thấy, 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới.
Để đạt được mục tiêu như nâng cao hiệu quả chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; thu hút các dự án công nghệ cao,… đại diện nhiều tập đoàn nước ngoài cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, dễ dự báo, và tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động, trong đó có doanh nghiệp FDI.
Cần tập trung vào 3 giải pháp trọng tâm
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, để tăng sự hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, ngoài những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung vào 3 giải pháp trọng tâm, gồm:
Thứ nhất, xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số. Đổi mới sáng tạo chính là khâu đột phá của chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia.
Thứ hai, phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế, để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dịch vụ hiện đại, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính.
Thứ ba, phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đưa khu vực đầu tư nước ngoài kết nối chặt chẽ với khu vực đầu tư trong nước, mang lại sức phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Hà An – Hà Anh