Mới đây, Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) đã diễn ra sôi nổi với chủ đề “Các giải pháp chiến lược & thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao & bền vững trong bối cảnh mới”. Diễn đàn được tổ chức nhằm cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn, hướng tới xây dựng Đề án “Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “2 con số” trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Đây là một mục tiêu tham vọng nhưng đầy ý nghĩa, phản ánh khát vọng phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong giai đoạn tới.
![]() |
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). |
Khẳng định giá trị bền vững
Trong khuôn khổ diễn đàn, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk (HOSE: VNM), đã mang đến những chia sẻ sâu sắc về ngành sữa, một ngành không chỉ đơn thuần là chế biến thực phẩm và nông sản, mà còn mang ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước.
Bà Liên nhấn mạnh: “Sữa không phải là ngành tiêu dùng bình thường, mà còn ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, tương lai và đất nước, vì sữa là thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng cho mọi lứa tuổi.” Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh, sữa đóng vai trò không thể thay thế trong việc phát triển thể chất, trí não và chiều cao. Với quy mô dân số 100 triệu người và khoảng 1 triệu trẻ em chào đời mỗi năm, bà Liên khẳng định đây là dư địa rất lớn cho ngành sữa Việt Nam phát triển, tạo cơ hội cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số cho ngành sữa, bà Mai Kiều Liên cho rằng cần phải tập trung vào việc tăng năng suất lao động và tăng thu nhập bình quân của người lao động.
![]() |
Tổng doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vinamilk |
CEO Vinamilk đặt vấn đề: “Làm sao để mỗi năm Doanh nghiệp có thể tăng 10% thu nhập cho người lao động. Tôi nghĩ làm được”. Để đạt được điều này, bà Liên nêu lên ba yếu tố cốt lõi: Thứ nhất là tăng thu nhập người lao động; Thứ hai là kinh doanh hiệu quả để gia tăng lợi nhuận; Thứ ba là tập trung đầu tư và khấu hao nhanh. Bà giải thích: “Ba chỉ số đó cộng lại sẽ tạo ra thu nhập bình quân của doanh nghiệp ngành sữa, chúng tôi nghĩ Chính phủ nên theo hướng đó chứ không phải theo doanh số”.
Theo nữ tướng ngành sữa, sức mua của người dân, thể hiện qua thu nhập bình quân, là yếu tố then chốt cho bất kỳ ngành nào muốn tăng trưởng. Bà Liên dẫn câu khẩu hiệu quen thuộc từ năm 1960: “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” và khẳng định giá trị bền vững của nó đến tận ngày nay.
"Nhanh" ở đây đồng nghĩa với việc tăng năng suất lao động thông qua cơ giới hóa và tự động hóa, đặc biệt trong ngành nông nghiệp cần áp dụng công nghệ giống tốt cho cả cây trồng và vật nuôi. Bà Liên lấy ví dụ về đàn bò sữa của Vinamilk, dù ở khí hậu nóng ẩm của Việt Nam nhưng vẫn đạt bình quân 30 lít/con/ngày và đang nỗ lực tăng 10% mỗi năm, tiệm cận năng suất của các nước có khí hậu lạnh.
"Nhiều" có nghĩa là sản lượng phải đáp ứng được nhu cầu xã hội. "Tốt" chính là chất lượng, không được hạ chuẩn ở bất kỳ sản phẩm nào mà phải không ngừng nâng cao, đạt chuẩn quốc tế hoặc cao hơn. Cuối cùng là "Rẻ", khi các yếu tố "nhanh, nhiều, tốt" được kết hợp hài hòa sẽ giúp hạ giá thành, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Bà Liên phân tích: “Cạnh tranh được thì doanh nghiệp phát triển, tạo công ăn việc làm. Khi có công ăn việc làm thì có được sức mua ngành đó. Đây chính là vòng tuần hoàn để có thể đạt tăng trưởng 2 con số như Chính phủ đặt ra”.
Bà Mai Kiều Liên cũng bày tỏ sự vui mừng trước những thay đổi tích cực trong chính sách, khi doanh nghiệp giờ đây được xem là đối tượng phục vụ chứ không còn bị quản lý và soi xét. “Đây là niềm tin của các doanh nghiệp, tạo nên làn sóng thay đổi nền kinh tế đi nhanh hơn”, bà Liên chia sẻ.
Niềm tin và sự đồng hành từ Đảng và Nhà nước
Đón nhận những ý kiến tâm huyết của CEO Vinamilk, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang bày tỏ sự ghi nhận sâu sắc. Ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh rằng dù không phải tất cả các ngành đều có thể tăng trưởng hai con số, nhưng tổng thể cả đất nước cần nỗ lực để đạt được mục tiêu này trong bảng tổng sắp.
Điểm thứ hai mà ông Trần Lưu Quang đặc biệt nhấn mạnh là phát triển bền vững, trong đó có sự phát triển chiều cao, thể trạng, thể lực của trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận được sữa rẻ để có chất lượng bữa ăn tốt hơn mỗi ngày. Ông khẳng định: “Vinamilk phục vụ cho câu chuyện lớn lao của đất nước chúng ta.”
Cuối cùng, ông Trần Lưu Quang đề cập đến Nghị quyết 68 như một biểu tượng của niềm tin từ hai phía: niềm tin của Đảng dành cho doanh nghiệp và niềm tin của doanh nghiệp dành cho những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
“Tôi tin với những niềm tin này, chúng ta sẽ làm được những chuyện lớn”, ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh, thể hiện sự đồng hành và kỳ vọng vào vai trò của doanh nghiệp trong công cuộc phát triển đất nước.
Theo Vinamilk, công ty đã thực hiện 20% kế hoạch doanh thu và 16% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau ba tháng. Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu 64.505 tỷ đồng doanh thu và 9.680 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 4,3% và 2,4% so với năm 2024. Nếu đạt mục tiêu này, doanh nghiệp sẽ có 4 năm tăng trưởng liên tiếp và thiết lập kỷ lục doanh thu mới. |